Sỏi mật - Thủ phạm chính gây viêm tụy cấp

27-10-2014 07:05 | Y học 360
google news

Viêm tụy cấp (VTC) là một loại bệnh lý ngày càng phổ biến với tần suất mắc vào khoảng 5 – 73 trường hợp/100.000 dân/năm.

Viêm tụy cấp (VTC) là một loại bệnh lý ngày càng phổ biến với tần suất mắc vào khoảng 5 – 73 trường hợp/100.000 dân/năm. Có rất nhiều nguyên nhân gây VTC như VTC do rượu, do tăng mỡ máu, VTC sau chấn thương... trong đó, 16 – 40% là VTC có nguyên nhân là do sỏi mật.

Tại sao sỏi mật lại có thể gây viêm tụy cấp?

Tụy là một tạng thuộc bộ máy tiêu hoá, nằm sau phúc mạc, đi từ khúc 2 tá tràng tới núm tỳ, vắt ngang cột sống thắt lưng, chếch lên trên và sang trái. Tụy có cả hai chức năng: nội tiết và ngoại tiết. Tụy ngoại tiết sản xuất các men tiêu hoá thức ăn. Về mặt nội tiết, tụy tiết ra hai hormon chủ yếu để điều hoà đường huyết là insulin (làm hạ đường huyết) và glucargon (làm tăng đường huyết).

Cơ chế bệnh sinh chủ yếu của VTC là do sự hoạt hoá các tiền men thành các men có hoạt tính ngay trong lòng tuyến tụy, từ đó kéo theo một loạt các phản ứng kiểu dây chuyền khác. Các men tụy sau khi được hoạt hóa có hoạt tính tiêu hủy rất cao để tiêu thực phẩm và quá trình này bình thường xảy ra ở trong lòng ống tiêu hóa (tá tràng, ruột non). Ở bệnh nhân bị sỏi mật, nhất là các trường hợp sỏi ống mật chủ gây tắc nghẽn đường mật, dịch mật sẽ trào ngược vào ống tụy, làm thay đổi pH của dịch tụy, pH dịch tụy trở thành kiềm hóa giống pH ở tá tràng nên các men tụy được kích hoạt trở thành dạng hoạt động ngay trong lòng ống tụy và kết quả là các tế bào tụy bị phá hủy dẫn đến hàng loạt những phản ứng viêm nhiễm xảy ra. Vì vậy, hiện nay, người ta cho rằng tổn thương tại chỗ ở tụy và các cơ quan lân cận là do các men tụy được hoạt hoá không đúng chỗ và các triệu chứng toàn thân là do một đáp ứng viêm hệ thống gây nên.

Phẫu thuật để loại bỏ sỏi mật là một phương pháp hiệu quả. Ảnh: Baohatinh.vn

Biểu hiện của viêm tụy cấp do sỏi mật

Biểu hiện của VTC do sỏi thường xảy ra đột ngột, có thể ở mọi lứa tuổi nhưng thông thường ở lứa tuổi từ 30 - 50. Đau bụng là triệu chứng xuất hiện gần như ở 100% các trường hợp. Cơn đau bụng điển hình thường xuất hiện đột ngột ở vùng trên rốn, cường độ đau dữ dội, lan lên ngực, sang 2 bên mạng sườn, xiên sau lưng, tiến triển ngày một tăng dần, đạt mức dữ dội nhất sau vài giờ và kéo dài nhiều giờ. Có khi cơn đau quặn như đau do sỏi mật hoặc trùng với cơn đau do sỏi khiến cho triệu chứng đau tăng lên rất nhiều. Đây thường là triệu chứng đầu tiên khiến người bệnh tới bệnh viện. Triệu chứng buồn nôn và nôn xảy ra khoảng 70 - 80% ở các bệnh nhân. Nôn xuất hiện cùng với đau. Chất nôn là dịch mật, thức ăn, đôi khi cả máu (trường hợp nặng). Cùng với đau bụng và nôn là các triệu chứng như bụng trướng, bí trung đại tiện, có thể có ỉa lỏng hay khó thở do bụng trướng hoặc có tràn dịch màng phổi kèm theo. Bệnh nhân hoảng hốt lo sợ hoặc vật vã kích thích, ý thức lơ mơ (hội chứng não - tụy), huyết áp tụt, da tái lạnh, mạch nhanh, nhỏ, khó bắt. Khám bụng có thể thấy bụng trướng hơi, có phản ứng cục bộ vùng trên rốn, điểm sườn lưng phải, trái đau. Có thể sờ thấy mảng cứng ở trên rốn không di động do hiện tượng hoại tử mỡ, gõ đục vùng thấp do tràn dịch màng bụng. Khám có thể thấy vàng da kèm theo gan to, túi mật to do sỏi gây tình trạng ứ mật hoặc do viêm gan. Cũng có thể gặp các mảng bầm tím ở 2 bên mạng sườn (dấu hiệu Cullen) hoặc quanh rốn (dấu hiệu Grey), nhất là trong VTC nặng, là dấu hiệu rất đặc hiệu, biểu hiện của chảy máu ở vùng tụy và quanh tụy.

Chẩn đoán viêm tụy cấp do sỏi dựa vào dấu hiệu đau bụng, nôn và xét nghiệm thấy có men amilase, lipase tăng cao trong máu và nước tiểu. Siêu âm và đặc biệt là chụp cắt lớp vi tính ổ bụng cho phép xác định mức độ viêm như tụy to, có dịch quanh tụy hoặc mức độ hoại tử của tụy và thấy rõ hình ảnh sỏi gây tắc nghẽn ống mật chủ, sỏi túi mật, sỏi ở đường mật trong gan.

Điều trị thế nào?

Điều trị viêm tụy cấp do sỏi bao gồm các phương pháp điều trị nội khoa như truyền đủ dịch và các chất điện giải, phòng loét cấp đường tiêu hóa, giảm tiết dịch tụy, giảm đau, điều chỉnh đường huyết, kháng sinh, lọc máu liên tục nếu VTC diễn biến nặng hoặc có sốc tụy. Trong giai đoạn đầu, bệnh nhân nên nhịn ăn hoàn toàn (nhất là những thể VTC nặng) và sẽ được nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch. Hiện nay, đối với VTC do sỏi mật gây tắc nghẽn, phương pháp lấy bỏ sỏi mật để giải phóng tắc nghẽn đường mật bằng phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) đang được áp dụng rất có hiệu quả, lấy bỏ sỏi mật, giải phóng tắc nghẽn nhanh chóng, hiệu quả mà lại không gây thương tổn nặng thêm cho bệnh nhân. Một số trường hợp VTC do sỏi cũng có chỉ định phẫu thuật như mổ để giải phóng tắc nghẽn đường mật (khi ERCP không thực hiện được) hoặc VTC có nhiễm khuẩn ổ hoại tử.

TS.BS. Vũ Đức Định


Ý kiến của bạn