Con trai tôi năm nay 23 tuổi, bị sỏi mật 13mm. Xin hỏi tư vấn giúp tôi cách chữa bệnh này. Tôi cảm ơn nhiều.
Lê Thị Mai Khương (khuonglethimai@gmail.com)
Tùy theo vị trí của sỏi mật mà có tên gọi sỏi túi mật, sỏi ống mật chủ và sỏi đường mật trong gan. Về số lượng, có thể chỉ một hòn sỏi duy nhất, có thể là nhiều, có khi rất nhiều, lấp kín đường mật (hàng trăm hòn). Về kích thước, sỏi có thể nhỏ li ti như hạt tấm, có thể to như hạt đậu, có thể to như đầu ngón tay, có khi to như quả trứng gà. Về cấu tạo, hòn sỏi được cấu tạo bởi nhiều chất. Nếu trong thành phần có nhiều cholesterol là sỏi cholesterol. Nếu có nhiều muối mật và sắc tố mật gọi là sỏi sắc tố mật. Nếu 2 thành phần có số lượng tương đương là sỏi hỗn hợp. Nguyên nhân của bệnh sỏi mật có liên quan tới ăn uống, rối loạn sự chuyển hóa trong cơ thể, dịch mật ứ đọng, ký sinh trùng đường mật, nhiễm khuẩn. Để điều trị sỏi mật, cần kết hợp cả dinh dưỡng và thuốc kể cả can thiệp lấy sỏi. Nguyên tắc cơ bản của việc trị liệu bằng dinh dưỡng cho bệnh nhân sỏi mật là hạn chế lượng cholesterol, cung cấp lipid hợp lý, khống chế năng lượng, tăng cường chất xơ, uống nhiều nước để ngăn ngừa mật ứ đọng... Thuốc làm tan sỏi: đã có nhiều nghiên cứu về các thuốc làm tan sỏi mật, kể cả tân dược và y học cổ truyền nhưng cho tới nay chưa có loại thuốc nào tỏ ra có hiệu quả. Tuy nhiên, các thuốc này có tác dụng bổ gan lợi mật nên thường được dùng hỗ trợ trong điều trị sỏi mật, vì vậy người bệnh có thể dùng để lợi mật. Trong thư bác nói con trai bác có sỏi 13mm nhưng không hiểu sỏi ở vị trí nào (túi mật hay ống mật chủ), có biểu hiện đau, sốt, vàng da, ngứa da không. Nếu vô tình siêu âm phát hiện ra sỏi túi mật thì cần theo dõi định kỳ 3-6 tháng/lần. Nếu có đau, sốt, vàng da thì cần khám để được bác sĩ kê đơn điều trị thích hợp.
BS. Trần Quang Nhật