Sỏi mật, chữa thế nào?

09-06-2017 09:22 | Phòng mạch online

SKĐS - Em bị đau bụng quằn quại, đi khám và siêu âm bị sỏi túi mật (kích thước 14mm), chỉ định phẫu thuật nội soi.

Em bị đau bụng quằn quại, đi khám và siêu âm bị sỏi túi mật (kích thước 14mm), chỉ định phẫu thuật nội soi. Tuy nhiên, sau mấy ngày điều trị thì không đau nữa. Xin hỏi bác sĩ bệnh của em có cách nào điều trị mà không phải mổ?

(vothiledung1995@gmail.com)

Bệnh sỏi mật là bệnh được tạo nên do sự xuất hiện sỏi trong đường mật. Sỏi có thể nằm ở bất kỳ chỗ nào của đường mật. Tùy theo vị trí mà bệnh có tên gọi khác nhau: sỏi túi mật, sỏi ống mật chủ, sỏi trong gan nhưng cũng có thể sỏi ở cả ba nơi (ống mật chủ, túi mật, trong gan). Về số lượng có thể chỉ một hòn duy nhất có thể nhiều, có khi rất nhiều lấp kín đường mật thậm chí hàng trăm hòn. Về kích thước có thể nhỏ li ti như hạt tấm, có thể to hơn như hạt đậu, như đầu ngón tay út, có khi to như quả trứng gà. Triệu chứng và diễn tiến cũng khác nhau. Sỏi ống mật chủ có 3 triệu chứng xuất hiện theo trình tự: đau, sốt, vàng da. Đau thường rất dữ dội, sốt cao, vàng da có khi rất đậm. Các triệu chứng này xuất hiện, mất đi, rồi lại tái diễn từng đợt nhưng cũng có khi không có triệu chứng gì. Trong khi đó rất nhiều bệnh nhân sỏi túi mật mà không có triệu chứng. Bệnh được siêu âm phát hiện hoặc có các triệu chứng: khó tiêu đầy bụng, nhất là khi ăn trứng, ăn mỡ; đau ở vùng dưới sườn phải, đau ê ẩm...

Về điều trị: có nhiều phương pháp nhưng cho đến nay chưa có loại thuốc uống nào tỏ ra hiệu quả làm tan sỏi. Các phương pháp can thiệp như: lấy sỏi qua nội soi dạ dày - tá tràng (khi sỏi ống mật chủ không quá to); Lấy sỏi qua da (kỹ thuật này dùng cho sỏi trong gan); phẫu thuật nội soi (trong sỏi túi mật và ống mật chủ). Trường hợp của cháu đã phát hiện sỏi túi mật kích thước 14 mm thì chỉ định mổ nội soi là hợp lý để tránh biến chứng do sỏi.

BS. Vũ Hồng Ngọc


Ý kiến của bạn