Bệnh nhân bị sỏi kẹt ở niệu đạo-Bệnh hiếm gặp ở nữ, nhập viện trong tình trạng tiểu khó, tiểu gắt buốt. Qua lời Chị P. kể, chị đã tiểu khó cách đó 3 hôm, khi đi vệ sinh sỏi lòi ra kẹt ở niệu đạo. Chị P. sờ bằng tay cảm nhận được có vật cứng nghi sỏi nhưng không đến bệnh viện do hoàn cảnh khó khăn lại vào ngày thứ 7, chủ nhật nên ngại đến bệnh viện. Những ngày đó chị ở nhà đi vệ sinh khó, phải dùng tay nắn sỏi qua bên để có thể đi vệ sinh được, đi lâu lại thêm gắt, buốt.
Qua thăm khám, BS CKII. Nguyễn Văn Truyện phát hiện chị P. bị sỏi lớn, kích thước 12 x 15 mm, ở vị trí niệu đạo gần miệng sáo, gây bít tắc đường ra của nước tiểu, do đó gây nên tình trạng tiểu khó, tiểu đau, nhỏ giọt...Sau khi thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, hình ảnh học trong đó có chụp X quang bụng không sửa soạn lấy hết khớp mu, người bệnh được chẩn đoán sỏi kẹt niệu đạo và chỉ định phẫu thuật nội soi. Bs.Truyện, người trực tiếp phẫu thuật cho chị P. đã tán sỏi nội soi ngược dòng bằng Laser. Ca mổ tiến hành thuận lợi, chỉ mất khoảng 20 phút.
Một số trường hợp trên thực tế, do sỏi nằm gần miệng sáo, nên một số bác sĩ không chuyên khoa hoặc chủ quan, thiếu kinh nghiệm, dùng kẹp bóp sỏi lấy cho được sỏi ra, vì cho rằng "dễ mà, không có vấn đề gì!", đã vô tình làm tổn thương niệu đạo, một cái giá phải trả rất đắt, gây hẹp niệu đạo về sau. Nhờ làm nội soi tán sỏi ngược dòng, niệu đạo của người bệnh không bị tổn thương, không bị biến chứng hẹp niệu đạo về sau, một biến chứng rất khó điều trị, để lại nhiều di chứng, thường phải điều trị nhiều lần, thậm chí phải tạo hình niệu đạo mới giải quyết được. Sau khi hồi sức một đêm, chị P. đã ổn định, hết đau, tiểu được và xuất viện chỉ sau 1 ngày.
Sỏi niệu thường được hình thành ở thận, theo dòng nước tiểu qua niệu quản, xuống bàng quang rồi thải ra ngoài qua đường niệu đạo khi đi tiểu. Sỏi kẹt niệu đạo thường gặp ở nam giới vì niệu đạo nam dài khoảng 15cm lại có những chỗ hẹp tự nhiên, hẹp sinh lý (niệu đạo màng, ngay dưới niệu đạo tuyến tiền liệt, gần miệng sáo), gập góc ở góc bìu – dương vật nên nếu sỏi ở bàng quang, khi đào thải xuống niệu đạo ra ngoài có thể bị kẹt lại. Ở nữ giới, niệu đạo ngắn, thẳng đường, chỉ từ 3 – 5 cm nên sỏi chỉ kẹt lại khi sỏi có kích thước lớn như trường hợp của chị P.
Những năm gần đây số lượng người bệnh nhập viện điều trị vì sỏi niệu ngày càng tăng. Thủ phạm chính là do chế độ ăn uống và lối sống không lành mạnh. Ăn thức ăn nhanh có nhiều muối, ít uống nước, vận động là những nguyên nhân giúp hình thành nhanh sỏi thận, nhất là với những người bệnh có sẵn các bệnh lý rối loạn chuyển hóa.
"Triệu chứng thường gặp của sỏi đường tiết niệu là đau hông lưng, tiểu ít, tiểu buốt, tiểu máu, bí tiểu, nhiễm khuẩn niệu...Tùy thuộc vào vị trí của sỏi trên đường tiết niệu (sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang…). Đối với sỏi niệu đạo, người bệnh thường có cảm giác đau ở vùng tầng sinh môn, bìu, tiểu khó, tiểu rỉ rỉ, có thể bị bí tiểu cấp tính. Ngoài ra, khi thăm khám, có thể sờ thấy sỏi ở niệu đạo dương vật, niệu đạo gần miệng sáo. Nếu may mắn, sỏi nhỏ, niệu đạo không bị hẹp bệnh lý, người bệnh có thể tự tiểu sỏi ra ngoài khi rặn mạnh"-Bs Truyện cho biết thêm.
Để ngăn ngừa sỏi niệu nói chung, trong đó có sỏi niệu đạo, Bs Truyện khuyến cáo: Chú ý đến dinh dưỡng và chế độ ăn uống. Ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh, hạn chế đạm từ thịt đỏ, chất béo…Uống đủ nước, mỗi ngày khoảng 2 lít. Nếu làm việc trong môi trường nóng, đổ mồ hôi nhiều, cần uống nhiều nước hơn và không nhịn tiểu. Không tự ý bổ sung canxi, viên sủi. Hạn chế thực phẩm như trà đen, cà phê, socola và đậu phộng, nội tạng động vật, hải sản. Thể dục mỗi ngày, vận động thường xuyên, tránh thừa cân, béo phì.
Sỏi niệu đạo ở nữ là bệnh hiếm, ít xảy ra nhưng ảnh hưởng đến sức khỏe nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Mọi người cần nắm rõ thông tin để chủ động phòng ngừa tốt hơn.
Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai là một địa chỉ đáng tin cậy về khám và điều trị sỏi niệu. Tại đây, có các bác sĩ chuyên khoa sâu, nhiều kinh nghiệm về loại bệnh lý phổ biến này.
Hotline: 02513.918.569.
Địa chỉ tại F99, Võ Thị Sáu, Phường Thống Nhất, TP. Biên Hoà , Đồng Nai. Điện thoại Cấp cứu 24/7: 1900 98 99 54.
Websiter: https://www.hoanmyitodongnai.com