Hà Nội

Sỏi động vật làm thuốc

SKĐS - Các bộ phận cơ thể của động vật có thể dùng làm thuốc thì đã nghe nói tới nhiều, nhưng Đông y còn sử dụng cả sỏi của chúng để dùng như những vị thuốc quý. Rất nhiều các loài động vật có thể cho ta sỏi để dùng như một vị thuốc.

Sỏi mật trâu, bò (ngưu hoàng)

Sỏi trong mật trâu, bò đã được dùng làm thuốc từ rất lâu đời. Trong Đông y, “ngưu hoàng” là sạn mật, hay sỏi mật, của những con trâu hoặc con bò mắc bệnh sỏi mật.

Sỏi mật trâu, bò từ xưa đã được xem là một vị thuốc quý. Để khai thác ngưu hoàng, người xưa thường tìm những con trâu, bò già, gầy yếu, mắt lờ đờ, khi đi đầu hay quay nghiêng, đứng hoặc nằm thường thở khò khè như bị hen.

Khi mổ trâu, bò thì nắn túi và ống mật, hễ thấy có cục rắn cứng thì rạch túi mật ra, lọc qua rây, lấy mật riêng và ngưu hoàng riêng. Nếu để lâu, dịch mật ngấm vào ngưu hoàng sẽ làm ngưu hoàng bị đen, phẩm chất kém. Sau khi lấy ngưu hoàng, cần dùng vải mềm hay gạc sạch gạt bỏ màng nhầy dính xung quanh, dùng thông thảo hoặc cỏ bấc đèn (đăng tâm thảo) hoặc bông bọc lại, ngoài cùng bọc một lớp vải thưa, buộc cẩn thận. Cho vào hộp kín, trong có vôi cục chưa tôi hoặc gạo rang hay silicagien để hút ẩm. Nhất thiết không phơi nắng hay sấy lửa hoặc để ở chỗ có gió mạnh, vì sức nóng, ánh sáng mặt trời hoặc gió mạnh làm ngưu hoàng nứt vỡ, sẫm lại, phẩm chất sẽ kém.

Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, trong ngưu hoàng có axit cholic, cholesterol, ergosterol, axit béo, este phôtphoric, bilirubin, vitamin D, muối canxi, sắt, đồng v.v... Trên cơ sở thành phần hoá học của ngưu hoàng thiên nhiên, những năm gần đây, người ta đã chế ra ngưu hoàng tổng hợp. Do đó, hiện tại ngưu hoàng có 2 loại: Ngưu hoàng thiên nhiên và ngưu hoàng nhân tạo.

Theo Đông y, ngưu hoàng có vị ngọt, tính mát; vào hai kinh tâm và can. Có tác dụng thanh tâm giải độc, khai khiếu hóa đàm, lương can tức phong. Dùng trong các bệnh nhiệt sốt cao phát cuồng, thần trí hôn mê, trúng phong bất tỉnh, cổ họng sưng đau, ung thư, đinh nhọt. Trong dân gian, ngưu hoàng thường được dùng làm thuốc trấn tĩnh và mạnh tim. Các trường hợp có triệu chứng điên cuồng, sốt quá phát cuồng, người co quắp, trẻ nhỏ bị kinh phong.

Sỏi động vật

Ngưu hoàng thường sử dụng với liều nhỏ, từ 0,3-0,6g; dưới dạng bột hay phối hợp với các vị thuốc khác làm thành viên. Cấm chỉ định với người doanh huyết phận không có nhiệt và phụ nữ có thai.

Sỏi lợn/heo (trư cát)

Cát lợn hay còn gọi là trư sa, trư bảo, là một loại kết tụ vật chất trong hệ tiêu hóa của lợn, như trong dạ dày, trong ruột, trong mật. Trư sa có mùi thơm thảo mộc, đặc biệt khi để trong không khí. Đông Y cổ xưa đã sử dụng trư sa để hỗ trợ điều trị các bệnh như an thần, động kinh, hốt hoảng lo âu, trị mất ngủ, hôn mê, thanh nhiệt, giải độc, tiêu đàm và nhiều tác dụng khác.

Sỏi chó (cẩu bảo)

Là sỏi kết trong mật con chó. Hình dạng giống như viên đá trắng, hơi phơn phớt xanh, do nhiều lớp xếp lại. Có vị mặn, tính ấm, chữa các chứngphản vị thuộc chứng vị hư hàn, người bệnh nghẹn tắc, khó ăn uống hoặc ăn xong lại nôn ra, bụng trướng đầy, tiêu hóa kém.

Sỏi khỉ (hầu táo)

Là sỏi kết tụ trong nội tạng con khỉ, hình dạng giống quả táo. Có vị đắng, hơi mặn, tính lạnh quy vào bốn kinh: tâm, phế, can, đởm. Tác dụng thanh nhiệt, thông đàm, ngừng ho, định suyễn. Chủ trị các chứng suyễn thở, khò khè do đàm nhiệt bí tắc ở cổ họng. Trẻ em cấp kinh co giật, đàm quyết, chân tay lạnh, cứng đờ do đàm gây ra. Liều dùng: 0,3 - 0,9g, tán nhỏ mịn rồi hòa nước uống, hoặc cho vào thuốc hoàn, thuốc tán, không dùng trong thuốc sắc. Thuốc có tính lạnh, người không có nhiệt đàm thì không được dùng.


BS.CKII HUỲNH TẤN VŨ
Ý kiến của bạn