Sôi động thị trường hoa Tết Đà Lạt

24-01-2011 07:20 | Xã hội

Những ngày càng cận Tết Tân Mão, thị trường hoa Đà Lạt rất sôi động. Lý do dễ nhận thấy nhất là khan hiếm hàng. Các chuyên gia trong Hiệp hội Hoa Đà Lạt và thương gia dự báo: Tết này nhu cầu về hoa Đà Lạt tăng đột biến…

Những ngày càng cận Tết Tân Mão, thị trường hoa Đà Lạt rất sôi động. Lý do dễ nhận thấy nhất là khan hiếm hàng. Các chuyên gia trong Hiệp hội Hoa Đà Lạt và thương gia dự báo: Tết này nhu cầu về hoa Đà Lạt tăng đột biến…

Hoa Đà Lạt khan hiếm

Lượn một vòng qua các địa danh trồng và xuất khẩu hoa nổi tiếng trước nay của Đà Lạt như: làng hoa Phước Thành, Đa Phú (Phường 7); Vạn Kiếp (Phường 8); Làng hoa Thái Phiên (Phường 11)… trong những ngày giáp Tết Tân Mão, tôi bắt gặp không khí sôi động của các chủ vườn hoa và sự hối hả của những chuyến xe đến nhận hàng và ra đi tất bật. Ngoài Tết bận rộn, còn một lý do khác là năm nay tất cả các loại hoa của Đà Lạt đều khan hiếm nên rất “hút” hàng! Người bán có lý do nâng giá và người mua cũng có lý do để tranh mua vì sợ… hết hàng!

Mỗi năm, các nhà vườn Đà Lạt trồng, sản xuất khoảng 3.500ha hoa với sản lượng trung bình khoảng 1,2 tỷ cành. Riêng trong vụ Tết năm nay, diện tích trồng hoa chừng 350ha (chiếm 1/10 cả năm). Bên cạnh giảm về diện tích trồng hoa, thời tiết và khí hậu Đà Lạt năm nay thất thường, sâu bệnh phát triển phá hoại … đã làm cho sản lượng hoa giảm đáng kể. Và, một trong những nguyên nhân nữa làm cho sản lượng hoa Đà Lạt giảm bởi thị trường hoa tết Đà Lạt rất bấp bênh, mỗi dịp Tết đến, hoa Trung Quốc lại xâm nhập Việt Nam… Bởi vậy, nông dân Đà Lạt không muốn “đánh bạc với trời”! Theo dự báo của các chuyên gia về hoa, Tết năm nay giá hoa Đà Lạt tăng từ 20 - 30% so với năm trước.

 Vườn lan Cam lửa có giá rất đắt.

Sốt giá

Ông Nguyễn Văn Thành, chủ vườn hoa địa lan lớn nhất Đa Phú (Phường 7 - Đà Lạt) cho biết, thị trường hoa Đà Lạt bắt đầu “nóng” lên từ đầu tháng chạp. Hầu hết tất cả các loại hoa của Đà Lạt đều tăng giá theo từng ngày. Còn ông Nguyễn Hữu Thông, nông dân chuyên trồng hoa ở phường 8 - Đà Lạt không giấu được niềm vui nói, Tết này nông dân trồng hoa Đà Lạt “trúng đậm” nhất trong vòng 10 năm qua. Khảo sát giá cả thị trường hoa Đà Lạt đến chiều 17 tháng chạp, mỗi cành hoa cúc phổ thông từ 8 -10 nghìn đồng, cúc đại đóa 1.500 đồng/bông; hoa hồng từ 7 - 10 nghìn  đồng/bông…

 Chậu lan Hoàng hậu được bán với giá 16 triệu đồng.

Tôi đã không hoài công chạy xe máy gần 15km (từ trung tâm thành phố Đà Lạt về phường 7, giáp huyện Lạc Dương) để “mục sở thị” vườn địa lan có tiếng đã 6 năm nay trong giới trồng địa lan trên cao nguyên Lâm Viên; đó là vườn địa lan rộng trên 1,5ha của hai anh em ruột Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Văn Thành. Chủ vườn địa lan này cho biết, hiện trong vườn có trên 20.000 chậu địa lan các loại đang xuất bán. Số người giúp việc có tới 20 người mà chủ, thợ dường như không lúc nào rảnh rỗi bởi khách mua đến từ nhiều tỉnh, thành: Hà Nội, TP.HCM, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Dương… và cả khách địa phương vây kín. Trong vườn, hàng chục loại lan quý (nữ hoàng của các loài hoa) như: cam lửa, hoàng hậu, vàng 3 râu, vầng trăng, xanh ngọc, xanh thơm, xanh lưỡi đỏ, tím hột… Giá bán tại vườn (tùy từng loài và từng màu sắc) thấp nhất từ 200.000đ/cành. Cam lửa là loài địa lan hiện có giá cao nhất 1.500.000đồng/cành. Thông thường, khách mua một chậu lan có từ 3 cành trở lên, nhiều chậu lan xuất bán dao động từ 5 - 10 triệu đồng, cá biệt có những vị khách đặt mua một chậu địa lan từ 15 - 18 triệu đồng.

Vòng lại Thái Phiên (một trong những địa phương trồng hoa lớn của Đà Lạt) không khí cũng nhộn nhịp không kém. Tại cơ sở kinh doanh hoa của chàng cử nhân trẻ - một doanh nghiệp trẻ thành đạt có cái tên hóm hỉnh: Sang Còi (Phường 9 - Đà Lạt), tôi choáng ngợp trước màu sắc sặc sỡ và hương thơm của các loài phong lan, hồ điệp, cát visa, loa kèn, trạng nguyên… với hàng chục ngàn loài (cả giống nội và ngoại nhập), đủ các màu sắc: trắng, xanh, vàng, đỏ, cam, hồng… Giá bán cũng tăng từ 10 - 20% so với tháng trước. Trung bình một giò cát visa - có nguồn gốc ngoại nhập (2 bông) 250.000đồng; một giò hồ điệp (2 cành) 260.000đồng; hay một nhánh vũ nữ cũng từ 150- 250.000 đồng… Ông chủ trẻ cho biết, dù đã “tung” hết số hoa dự trữ ở 2 khu trang trại gia đình mình và mua thêm các hộ nhà vườn khác nhưng vẫn không cung cấp nổi nhu cầu khách hàng. Mỗi ngày, anh đã xuất hàng chục ngàn chậu và cành hoa các loại cho khách hàng ở Hà Nội, TP.HCM, các tỉnh miền Trung...

 Phong lan Vũ nữ.

Điểm cuối cùng tôi tiếp cận trong ngày là “Thung lũng hoa đào” (Phường 4 - Đà Lạt). Dù không “ồn ào” như  những vườn hoa khác nhưng sự chuẩn bị chu đáo để kịp tung ra thị trường trong những ngày sát Tết, trên 1.000 cành hoa đào được lai ghép rất có giá trị của chủ nhân trẻ (con trai nghệ nhân hoa đào nổi tiếng Đà Lạt - Mười Lời). Dù cha đã qua đời 2 năm, nhưng Bùi Văn Sang vẫn kế nghiệp ông chăm sóc 700 gốc đào được ghép thành công từ các giống hoa đào quý của Trung Quốc, Mỹ và từ giống đào Nhật Tân…Những ngày đầu tháng chạp, Bùi Văn Sang đã bán hàng chục chậu đào thu trên 300 triệu đồng. Dịp Tết năm nay, trong số những giống đào quý ghép thành công đã có nhiều người đặt mua với giá trên 100 triệu đồng/gốc…

Ông Nguyễn Đình Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt cho biết, có những năm thị trường hoa tết Đà Lạt tràn ngập hoa xứ khác (có cả hoa Trung Quốc) nhưng người chơi hoa vẫn thích chọn hoa Đà Lạt. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân hoa Đà Lạt luôn vượt trội so với hoa các nơi khác và hoa Đà Lạt được rất nhiều người yêu mến. Cũng theo ông Sơn, có khoảng 20 triệu cành hoa phổ thông và vài chục ngàn chậu địa lan, loa kèn và hơn 1 triệu cành lyly (loại hoa cao cấp) trong dịp Tết này, nhưng cũng không thể cung cấp  đủ nhu cầu thị trường trong và ngoài nước...

Thanh Dương Hồng


Ý kiến của bạn