Sỏi bàng quang là khối khoáng chất cứng được hình thành trong bàng quang. Chúng phát triển khi các khoáng chất trong nước tiểu cô đặc, kết tinh và tạo thành sỏi. Điều này thường xảy ra khi bạn gặp khó khăn trong việc tống xuất nước tiểu.
Sỏi bàng quang thường xảy ra ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Sỏi được hình thành trong bàng quang, thường có kích thước lớn do tích tụ các cặn sỏi lâu ngày từ nước tiểu trong bàng quang.
Ngoài ra sỏi bàng quang là những sỏi thận di chuyển xuống niệu quản và rơi vào bàng quang. Những sỏi bàng quang nhỏ có thể thoát ra ngoài dễ dàng khi tiểu. Những sỏi lớn hơn 8mm thường bị kẹt ở cổ bàng quang hoặc niệu đạo (ống dẫn nước tiểu ra ngoài) gây tiểu đau, dòng nước tiểu yếu hoặc bí tiểu cấp.
Nguyên nhân gây sỏi bàng quang
Sỏi bàng quang có thể phát triển khi bàng quang không thể tống xuất hết. Điều này làm cho nước tiểu bị ứ đọng và cô đặc. Nước tiểu cô đặc có thể kết tinh và tạo thành sỏi.
Một số bệnh nhiễm trùng có thể dẫn đến sỏi bàng quang. Đôi khi một tình trạng tiềm ẩn ảnh hưởng đến khả năng chứa đựng hoặc tống xuất nước tiểu của bàng quang có thể dẫn đến hình thành sỏi bàng quang. Bất kỳ vật chất lạ nào có trong bàng quang đều có xu hướng hình thành sỏi trong bàng quang.
Các trường hợp phổ biến nhất gây ra sỏi bàng quang bao gồm:
Phì đại tuyến tiền liệt: (tăng sản lành tính tuyến tiền liệt, hoặc BPH) có thể gây sỏi bàng quang ở nam giới. Tuyến tiền liệt phì đại có thể gây cản trở dòng chảy của nước tiểu, khiến bàng quang không thể làm rỗng hoàn toàn.
Các tổn thương thần kinh: Thông thường các dây thần kinh mang thông điệp từ não đến cơ bàng quang, điều khiển các cơ bàng quang co thắt hoặc thư giãn. Nếu những dây thần kinh này bị tổn thương do đột quỵ, chấn thương tủy sống hoặc các vấn đề sức khỏe khác thì bàng quang của bạn có thể bị ứ đọng nước tiểu. Điều này được gọi là bàng quang thần kinh.

Sỏi bàng quang là bệnh thường gặp của hệ tiết niệu.
Các nguyên nhân khác có thể gây ra sỏi bàng quang bao gồm:
Viêm bàng quang: Đôi khi nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc xạ trị vùng chậu có thể dẫn đến sỏi bàng quang.
Các dụng cụ thiết bị y tế: Ống thông bàng quang, ống nhỏ được đưa qua niệu đạo để giúp nước tiểu thoát khỏi bàng quang, lâu ngày có thể gây sỏi bàng quang. Khi có những vật vô tình di chuyển đến bàng quang của bạn, chẳng hạn như dụng cụ tránh thai hoặc các ống thông trong đường tiết niệu. Các tinh thể khoáng chất, sau này trở thành sỏi, có xu hướng hình thành trên bề mặt của các thiết bị này.
Sỏi thận: Sỏi hình thành trong thận của bạn không giống như sỏi bàng quang. Chúng phát triển theo những cách khác nhau. Nhưng những viên sỏi thận nhỏ có thể đi xuống niệu quản vào bàng quang và nếu không được tống ra ngoài, có thể phát triển thành sỏi bàng quang.
Sỏi bàng quang có nguy hiểm không?
Sỏi bàng quang nhỏ có thể tự khỏi mà không cần điều trị, nhưng đôi khi sỏi bàng quang cần dùng thuốc hoặc phẫu thuật. Nếu không được điều trị thì sỏi bàng quang có thể dẫn đến nhiễm trùng và các biến chứng khác.
Ở một số trường hợp nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách thì người bệnh có thể đối mặt với các biến chứng như:
Viêm bàng quang: Khi sỏi còn nhỏ người bệnh có thể không thấy vấn đề gì. Sỏi bàng quang phát triển lớn hơn 2cm thường có triệu chứng kích thích bàng quang như tiểu nhiều lần, tiểu đau, tiểu ngắt quãng hoặc tiểu máu. Nếu không có biện pháp xử lý sớm thì tình trạng viêm ở bàng quang có thể trở thành mạn tính, dẫn tới teo bàng quang, rò bàng quang, ung thư bàng quang.
Viêm thận: Do nhiễm khuẩn ngược dòng từ bàng quang, có thể làm suy giảm chức năng thận. Biến chứng này có thể ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, điều trị rất khó khăn.
Đau hạ vị: Người bệnh thường có cảm giác đau buốt vùng hạ vị do bàng quang kích thích, sỏi kẹt cổ bàng quang. Cơn đau hạ vị có thể lan đến tầng sinh môn hay phía đầu đầu bộ phận sinh dục ngoài, gây khó chịu cho người bệnh.
Rò bàng quang: Sỏi bàng quang lớn có thể gây rò bàng quang, rò tầng sinh môn hoặc âm đạo ở nữ giới. Nước tiểu rỉ liên tục qua đường rò sẽ gây nhiễm khuẩn vùng âm đạo hoặc hậu môn. Người bệnh sẽ gặp rất nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày.
Nhìn chung sỏi bàng quang hoàn toàn có thể điều trị thành công nếu được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Nhưng để ngăn ngừa bệnh tiến triển xấu và nguy cơ hình thành sỏi mới, nên lưu ý một số điểm sau: Uống nhiều nước, tối thiểu 1,5 – 2 lít mỗi ngày. Tuyệt đối không nên nhịn tiểu. Hạn chế ăn mặn và thức ăn nhiều đạm. Tránh cách sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá… Tập thể dục hàng ngày để cơ thể hoạt động tốt, tăng chức năng bài tiết. Thăm khám định kỳ để đánh giá đúng tình trạng sỏi bàng quang và có biện pháp can thiệp thích hợp.