Sỏi bàng quang là khối khoáng chất cứng được hình thành trong bàng quang. Chúng phát triển khi các khoáng chất trong nước tiểu cô đặc, kết tinh và tạo thành sỏi.
Sỏi bàng quang nhỏ có thể tự khỏi mà không cần điều trị, nhưng đôi khi sỏi bàng quang cần dùng thuốc hoặc phẫu thuật. Nếu không được điều trị, sỏi bàng quang có thể dẫn đến nhiễm trùng và các biến chứng khác.
Biểu hiện cảnh báo khi mắc sỏi bàng quang
Có nhiều nguyên nhân gây sỏi bàng quang trong đó có nguyên nhân thường gặp là:
Phì đại tuyến tiền liệt có thể gây sỏi bàng quang ở nam giới. Tuyến tiền liệt phì đại có thể gây cản trở dòng chảy của nước tiểu, khiến bàng quang không thể làm rỗng hoàn toàn.
Các tổn thương thần kinh cũng có thể gây sỏi bàng quang. Thông thường, các dây thần kinh mang thông điệp từ não đến cơ bàng quang, điều khiển các cơ bàng quang co thắt hoặc thư giãn. Nếu những dây thần kinh này bị tổn thương do đột quỵ, chấn thương tủy sống hoặc các vấn đề sức khỏe khác, bàng quang của bạn có thể bị ứ đọng nước tiểu. Điều này được gọi là bàng quang thần kinh.
Đôi khi nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc xạ trị vùng chậu, có thể dẫn đến sỏi bàng quang. Sỏi hình thành trong thận không giống như sỏi bàng quang. Chúng phát triển theo những cách khác nhau. Nhưng những viên sỏi thận nhỏ có thể đi xuống niệu quản vào bàng quang và nếu không được tống ra ngoài, có thể phát triển thành sỏi bàng quang.
Đôi khi sỏi bàng quang – thậm chí cả những viên lớn – không gây ra các biểu hiện gì. Nhưng nếu một viên sỏi kích thích thành bàng quang hoặc ngăn dòng chảy của nước tiểu, các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm:
- Đau bụng dưới.
- Đau khi đi tiểu.
- Đi tiểu thường xuyên.
- Khó đi tiểu hoặc dòng nước tiểu bị gián đoạn.
- Có máu trong nước tiểu.
- Nước tiểu đục hoặc có màu sẫm bất thường.
Biến chứng thường gặp khi bị sỏi bàng quang
Khi mắc sỏi bàng quang, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, người bệnh có thể đối mặt với các biến chứng như:
- Đau hạ vị: Người bệnh thường có cảm giác đau buốt vùng hạ vị do bàng quang kích thích, sỏi kẹt cổ bàng quang. Cơn đau hạ vị có thể lan đến tầng sinh môn hay phía đầu bộ phận sinh dục ngoài, gây khó chịu cho người bệnh.
- Viêm thận: Do nhiễm khuẩn ngược dòng từ bàng quang, có thể làm suy giảm chức năng thận. Biến chứng này có thể ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, điều trị rất khó khăn.
- Viêm bàng quang: Khi sỏi còn nhỏ, người bệnh có thể không thấy vấn đề gì. Sỏi bàng quang phát triển lớn hơn 2cm thường có triệu chứng kích thích bàng quang như tiểu nhiều lần, tiểu đau, tiểu ngắt quãng hoặc tiểu máu. Nếu không có biện pháp xử lý sớm, tình trạng viêm ở bàng quang có thể trở thành mạn tính, dẫn tới teo bàng quang, rò bàng quang, ung thư bàng quang.
- Rò bàng quang: Sỏi bàng quang lớn có thể gây rò bàng quang, rò tầng sinh môn hoặc âm đạo ở nữ giới. Nước tiểu rỉ liên tục qua đường rò gây nhiễm khuẩn vùng âm đạo hoặc hậu môn. Người bệnh sẽ gặp rất nhiều bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày.
Chẩn đoán và điều trị sỏi bàng quang
Khi thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ lưu ý vùng bụng dưới của người bệnh để kiểm tra dấu hiệu tình trạng có ứ đọng nhiều nước tiểu trong bàng quang. Những xét nghiệm thường được áp dụng khi chẩn đoán sỏi bàng quang như: Siêu âm bụng; Tổng phân tích nước tiểu; Chụp X-quang… Những xét nghiệm khác: Soi bàng quang; Đo áp lực bàng quang.
Nguyên tắc trong điều trị sỏi bàng quang là: Loại bỏ sỏi bàng quang; Điều trị nguyên nhân gây ra sỏi bàng quang để tránh sỏi tái phát.
Dùng thuốc điều trị sỏi bàng quang giúp giảm đau, chống viêm, lợi tiểu. Hầu hết sỏi bàng quang có triệu chứng cần phải phẫu thuật. Nếu sỏi có kích thước quá lớn (> 4cm), hoặc sỏi cứng không thể phá vỡ được, bác sĩ có thể sẽ cân nhắc can thiệp mổ mở lấy sỏi.
Phòng sỏi bàng quang
Để hạn chế nguy cơ bị sỏi ở bàng quang cần uống nhiều nước, mỗi ngày bạn nên uống 2 – 3 lít nước, giúp cơ thể đào thải những chất độc, cặn bã ra khỏi thận, bàng quang, từ đó tránh sự kết tủa tạo sỏi.Cần ưu tiên các loại thực phẩm như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, sữa ít béo hay không béo nên được bổ sung vào thực đơn mỗi ngày. Ngoài ra, nên hạn chế các món ăn chiên xào rán, không dùng các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn hộp.
Ở những người có tăng axit uric trong máu nên hạn chế thức ăn giàu đạm: Đạm có khả năng làm tích tụ axit uric trong máu, làm hình thành tinh thể muối urat và tích tụ ở bàng quang. Khi đó, người bệnh sẽ có nguy cơ cao bị sỏi.
Bên cạnh đó tăng cường thực phẩm giàu chất xơ: Các thực phẩm chứa lượng chất xơ dồi dào mà bạn nên bổ sung hằng ngày là rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, đậu… Tránh sử dụng các chất kích thích, hạn chế sử dụng bia, rượu, thuốc lá và các chất kích thích khác. Vì các hóa chất này tích tụ trong cơ thể rất dễ tạo thành sỏi. Khi có dấu hiệu sỏi ở hệ tiết niệu, người bệnh nên nhanh chóng đi thăm khám và điều trị sớm.