Sochi: Chi phí “khủng” nhất trong lịch sử Olympic

03-03-2013 01:32 | Quốc tế
google news

Tổ chức Thế vận hội mùa đông tại một thành phố ven biển với khí hậu cận nhiệt đới, với hạ tầng cơ sở chưa từng được cải thiện từ thời Liên Xô báo trước Sochi sẽ vô cùng tốn kém.

Tổ chức Thế vận hội mùa đông tại một thành phố ven biển với khí hậu cận nhiệt đới, với hạ tầng cơ sở chưa từng được cải thiện từ thời Liên Xô báo trước Sochi sẽ vô cùng tốn kém.

Thế vận hội mùa đông lần thứ XXII sẽ diễn ra từ ngày 7 - 23/2/2014. 50 tỷ USD - tương đương với 36 tỷ euro - là số tiền mà Matxcơva và các nhà tài trợ Nga chi ra để chuẩn bị cho sự kiện thể thao trọng đại này. Về phí tổn tài chính, Sochi đã qua mặt cả Thế vận hội mùa hè Bắc Kinh 2008 (33,4 tỷ euro) cũng như Thế vận hội Luân Đôn 2012. Đây cũng sẽ là Thế vận hội mùa đông đắt gấp 35 lần so với Vancouver - Canada 2010; đắt gấp 14 lần so với ở Turino - Italy năm 2006 và đã đắt hơn gấp 3 lần so với dự tính ban đầu của Ủy ban Olympic Nga. Trên tổng số 36 tỷ euro, 17 tỷ do nhà nước tài trợ. Phần còn lại do các đại gia Nga bảo đảm. Sochi là một thành phố ven bờ Hắc Hải và ở sát chân dãy núi Kavkaz. Đây là một địa điểm nghỉ mát được giới thượng lưu Nga ưa thích. 365 ngày trước lễ khai mạc, chưa có gì sẵn sàng để đón tiếp 6.000 vận động viên và các phái đoàn quốc tế cùng hàng chục triệu du khách. Sochi hãy còn là một công trường với 60.000 công nhân. Mối lo hàng đầu của các lãnh đạo và Ủy ban Thế vận hội Nga là nhiều công trình xây dựng đang bị chậm trễ, là làm thế nào bảo đảm có đủ tuyết để phục vụ Olympic Sochi tại một vùng khí hậu vốn ôn hòa và số ngày trời mưa nắng nhiều hơn là những ngày có tuyết rơi.
Sochi: Chi phí “khủng” nhất trong lịch sử Olympic 1
 Sochi - một địa điểm nghỉ mát được giới thượng lưu Nga ưa thích.

Khu trượt tuyết Krasnaya Polyana trên dãy núi Kavkaz nằm cách bờ biển khoảng 50 cây số đang thay hình đổi dạng. Các công trình xây dựng đang mọc lên như nấm, từ nhà ở đến khách sạn, từ các đường trượt băng đến các ngôi làng... tất cả đang trong tiến trình xây cất. Những chiếc xe thùng rải tuyết xuống các đường băng, xe nện tuyết hoạt động gần như ngày đêm. Trước khi chính thức đón các vận động viên Olympic vào năm tới, thành phố Sochi tổ chức một loạt các cuộc tranh tài, chủ yếu là để thử độ bền của các trang thiết bị.

Vấn đề đặt ra là khí hậu ở đây quá ấm để bảo đảm chất lượng của tuyết trắng. Một nữ vận động viên trong đội tuyển quốc gia cho biết, nhiệt độ tại trạm trượt tuyết trong vùng thường trên 00C cho nên trời hay mưa vào những tuần lễ cuối tháng giêng, đầu tháng 2. Khi trời mưa, các bãi trượt tuyết bị ngập nước và không ai có thể thi thố tài năng. Khi nào trời lạnh và tuyết rơi, thì đấy là một thứ tuyết mềm. Không lý tưởng để trượt.

Làm thế nào có đủ tuyết cho cuộc tranh tài Olympic 2014? Đó là mối đau đầu nhất của Ban tổ chức. Khu trượt tuyết Krasnaya Polyana ở độ cao 1.900m. Ban tổ chức huy động rất nhiều công, của để khắc phục hậu quả. Jean Louis Tuaillon, thuộc Compagnie des Alples, một cơ quan Pháp chuyên quản lý các khu trượt tuyết cố vấn cho Ủy ban Thế vận hội Sochi cho biết: “Chúng tôi đem đến đây máy sản xuất tuyết nhân tạo với công suất rất lớn, có thể cung cấp đến hơn 5.000m3 tuyết mỗi giờ. Như vậy, chỉ nội trong 3 ngày chúng tôi có thể phủ tuyết lên toàn bộ trạm trượt tuyết ở Sochi. Mỗi chiếc máy sản xuất tuyết nhân tạo như vậy có khả năng phun tuyết trên một đường kính 50m. Tức là công suất lớn hơn và độ tuyết dày hơn so với khi chúng tôi phun tuyết nhân tạo trên các trạm trượt tuyết ở dãy núi Alpes”.

Jim Maceda, một nhà báo thể thao của Anh đã 6 lần tác nghiệp trong các cuộc tranh tài ở Thế vận hội mùa đông, nhưng với Sochi 2014, ông đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác: “Để giữ được tuyết ở nhiệt độ trung bình từ 6 - 120C, Ban tổ chức đã xây dựng cả một nhà máy điện trị giá 1 tỷ USD để phục vụ cho Sochi 2014. Một tỷ USD được chi ra chỉ để phục vụ cho mục tiêu đó mà thôi. Tôi chưa từng thấy sự lãng phí nào đáng nói hơn. Sochi 2014 là một cơ hội để các nhà tài phiệt Nga phô trương thanh thế. Sochi là Thế vận của các đại gia Nga!”.

Các công trình xây dựng là mối đau đầu đối với người dân tại chỗ. Martial Simonot đầu bếp người Pháp đến Sochi mở nhà hàng từng chụp ảnh với cựu Tổng thống Medvedev khi ông đến đây giám sát tình hình, tâm sự: “Chúng tôi thường bị mất điện, bị cúp nước vì các công trình xây dựng xung quanh. Tình trạng này đã kéo dài từ 3 năm qua. Ở đây, cái gì cũng phải làm hết: từ ống cống thoát nước đến cột điện, đèn đường... thành ra cảnh nhốn nháo, hỗn loạn như cái chợ vỡ ở đây cũng dễ hiểu thôi”.

Năm 2007, Ủy ban Thế vận hội Quốc tế CIO chính thức thông báo dành cho Sochi quyền tổ chức Thế vận hội mùa đông 2014, khép lại quá trình vận động miệt mài trong suốt một thập niên của chính quyền Matxcơva. Khi mà hàng ngàn nhà báo quốc tế, vận động viên, các thành phần trong Ban tổ chức trên toàn thế giới tập hợp cả về Sochi, thì đấy cũng là cơ hội hiếm có để Matxcơva khẳng định vị thế của mình ở vùng Hắc Hải phần nào bị lu mờ trước tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Liên hiệp châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng để làm chủ được sân diễn Sochi vào mùa đông năm tới, Matxcơva phải vượt qua thách thức không nhỏ: bảo đảm an ninh trước những hiểm họa khủng bố tiềm tàng.

Lê Sơn

 (Theo Bloombergs, NYT)


Ý kiến của bạn