Sốc với “tranh rác”

26-01-2015 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Từ lâu, chép tranh đã trở thành nghề kiếm sống của biết bao họa sĩ, nghệ nhân, thợ chép chuyên và cả... không chuyên.

Từ lâu, chép tranh đã trở thành nghề kiếm sống của biết bao họa sĩ, nghệ nhân, thợ chép chuyên và cả... không chuyên. Nhưng bên cạnh mảng tranh chép được cho là đẳng cấp và có nghề thì dòng “tranh rác” ngồn ngộn trên thị trường hiện nay sẽ khiến các nhà quản lý và cả khách hàng phải... chếnh choáng. Ai đó nói vui, nếu có “phép tiên” khiến các danh họa thế giới sống lại thì có lẽ họ sẽ chết ngất khi chứng kiến những tác phẩm lừng danh của mình được sao chép một cách “sống sượng” như thế này...

Số đông Thị hiếu = Hỏng tranh

Ở TP.HCM, trên những con đường được mệnh danh là “phố tranh” như Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Bùi Viện, Đề Thám, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Phú…, có ít nhất khoảng gần 200 gallery. Số lượng này, nếu so với cách đây 10 năm thì có lẽ đã tăng gần 3 lần. Có thể nói, hầu hết các danh họa trên thế giới, từ thời Phục hưng như Leonnard de Vinci, Goya, trào lưu Tân Cổ điển như Ingres, trường phái Lãng mạn như Géricault cho đến dòng Ấn tượng như Renoir, Sisley, Monet, Manet, rồi đến xu hướng lập thể như Picasso, Braque, tranh trừu tượng của Kandinsky hay siêu thực của Sanvador Dali… đều “sum họp” tại đây.

Trên thị trường tranh chép hiện nay, ngoài “tranh rác” giá bèo thì tranh chép chất lượng cao đang thể hiện sự cạnh tranh quyết liệt.

Tưởng như đây là một thế giới hội họa vô cùng đẳng cấp và chuyên nghiệp, nhưng nếu có dịp chiêm ngưỡng bản sao chép của những tác phẩm lừng danh ở đây, không ít người phải thốt lên “Cái gì thế này?”. Nhiều người am hiểu nghệ thuật đã thực sự choáng và sốc khi chứng kiến những tác phẩm hội họa nổi tiếng bị sao chép một cách... thiếu trách nhiệm bởi cách quản lý hời hợt và dễ dãi của các chủ gallery. Nhưng người trong cuộc lại có lý lẽ của mình, đây là cách mà nghệ thuật cần phải “sống” trong thương trường.

Ở Hà Nội, thị trường tranh chép cũng không khá khẩm hơn. Những năm gần đây, nhu cầu dùng tranh để trang trí nhà cửa, văn phòng, khách sạn… của bộ phận người dân tăng đột biến nên chỉ trong một thời gian ngắn, các gallery kinh doanh tranh chép liên tục mọc lên. Dạo quanh một vòng các gallery Apricot, Green Palm, Hanoi Studio, Thanh Bình…, khách hàng không khó tìm cho mình những bức tranh nhái của các họa sĩ nổi tiếng: Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Thành Chương, Đào Hải Phong…

Tuy nhiên, sự cạnh tranh giữa các gallery với nhau chưa thấm vào đâu so với giá thành hấp dẫn của các làng chuyên sống bằng nghề chép tranh. Làng Phú Xuyên (Hà Nội) nổi tiếng với một đội ngũ thợ đông đảo sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người mua với giá chỉ bằng 1/2 so với gallery, thậm chí chỉ bằng 1/3 khi khách mua với số lượng lớn. Với mức giá trung bình trên dưới 1 triệu/bức, thậm chí giá đội lên tận trời nếu gặp khách hàng ít kinh nghiệm ở các gallery, không ít người cất công tìm đến tận các làng chuyên chép tranh để đặt hàng. Họ tỏ ra hí hửng khi sở hữu nguyên một tác phẩm hội họa nổi tiếng với giá chưa đến... 1 triệu đồng.

Tất nhiên, bản thân các chủ gallery và những thợ chép chuyên nghiệp tại các làng nghề thừa biết chất lượng tranh chép của mình đến đâu. Nhưng họ cũng... có lý của mình, tất cả đều vì nhu cầu của “thượng đế”. Vì thực tế, khách hàng tìm đến tranh chép thường có mục đích rõ ràng: làm quà tặng, trang trí nhà cửa, quán xá… nên họ chỉ để ý đến giá thành chứ ít quan tâm chất lượng sản phẩm cũng như họa sĩ gốc và người chép.

Vì vậy nên mới có những chuyện dở khóc dở cười. Ví như bức Mona Lisa của Leonard de Vinci. Ở Việt Nam, bức tranh này gần như được khai thác 100%, nghĩa là được chép theo đủ phong cách, miễn sao thỏa mong ước tái hiện chân dung và nụ cười bí hiểm của nhân vật đã làm say lòng cả nhân loại. Khổ nỗi, diễn tả nụ cười, gương mặt và cả bàn tay của nhân vật không dễ chút nào nếu người chép không thực sự cảm được nó. Các nàng Mona Lisa phiên bản copy bỗng trở nên xấu lạ và rất cá tính. Có nàng mặt đẹp nhưng tay thô, có nàng tay mềm mại thì mặt bị... vẹo. Nhưng có lẽ kinh hoàng nhất là có gallery còn điểm xuyết cho người phụ nữ trong tranh bộ ria mờ khiến nụ cười trứ danh càng trở nên... “bí hiểm”!

Sao chép cũng cần đẳng cấp

Tất nhiên, hiện tượng láo nháo không thể hiện được tất cả bộ mặt của thị trường tranh chép hiện nay. Thực tế, ngoài “tranh rác” giá bèo thì tranh chép chất lượng cao vẫn thể hiện sự cạnh tranh quyết liệt. Theo quan sát của một người trong giới, ở TP. Hồ Chí Minh chỉ có khoảng vài ba gallery chủ trương chép tranh chất lượng cao. Và như vậy, tranh ở đây bán giá cao, kén khách. Sản phẩm ở đây buộc phải bán giá cao mới trang trải đủ cho công họa sĩ vì để đạt chất lượng, dù là tranh chép, cũng phải chiêu mộ họa sĩ giỏi về xưởng làm việc.

Thu nhập chính của những gallery này không từ những khách hàng đại trà mà chủ yếu từ những hợp đồng bán tranh có giá trị. Một trong những đặc thù của các gallery này là hợp đồng chép tranh cho gallery ở nước ngoài. Có những gallery chép tranh ở nước ngoài tìm hiểu, biết giá trị lao động của họa sĩ ở Việt Nam rẻ hơn rất nhiều nên họ thường hợp đồng với mình để chép. Tất nhiên họ cũng chọn mặt gửi vàng, tức là chọn những gallery chép đạt chất lượng. Suy cho cùng, đây cũng là một lối ra cho nghề chép và bán tranh. Chỉ có điều, mải mê với cuộc đua lợi nhuận nên có thể phần lớn giới chép tranh hiện nay quên mất nguyên tắc của nghề: sao chép cũng phải đẳng cấp. Một khi thiếu đẳng cấp thì tranh chép còn phải xấu hổ với bản gốc dài dài! Một khi “thiếu đẳng cấp” thì tranh chép sẽ chỉ là “tranh rác”.

Tùng Lâm

 

 

 


Ý kiến của bạn