3 người đã bị Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP. Hà Nội bắt để phục vụ điều tra về hành vi làm giả thực phẩm chức năng (TPCN) với số lượng lớn nhất từ trước đến nay, với hơn 10 tấn TPCN giả các loại như sữa ong chúa, nhau thai cừu, glucosamin, collagen..., có nguồn gốc từ Trung Quốc đã được “phù phép” thành hàng nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu...
TPCN chuyển màu, bết dính được hô biến thành TPCN “Tây”
Liên quan đến vụ việc này, Trung tá Vũ Công Chí - Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Hà Nội cho biết, cơ quan chức năng vừa bắt giữ thêm Nguyễn Công Việt (29 tuổi, trú tại Thị trấn Lim, huyện Tiên Du, Bắc Ninh) để phục vụ điều tra về 10 tấn TPCN giả bị bắt giữ. Trước đó, ngày 24/1, cơ quan chức năng đã bắt giữ Nguyễn Tuấn Linh khi đang chở 6 thùng TPCN giả đem đi tiêu thụ tại địa bàn Hà Nội. Tại cơ quan điều tra, Việt khai nhận tham gia đường dây làm giả TPCN do Hoàng Thị Hồng Liên cầm đầu gần một năm nay. Hàng tháng, Việt được trả lương 6-7 triệu đồng để đóng gói sản phẩm và giao hàng cho các đại lý.
Thực phẩm chức năng giả chưa kịp đóng gói.
Theo cơ quan điều tra, TPCN giả được Liên và đồng bọn nhập từ biên giới phía Bắc. Các thương lái Trung Quốc đảm nhận vận chuyển hàng đến tận nơi, Liên và đồng bọn chỉ đứng ra nhận hàng và thanh toán. Liên thường nhập khoảng 50 - 60 kiện mỗi lần với đầy đủ các loại như tem, nhãn mác.
TPCN giả được đựng trong các túi nilon, dưới dạng viên nang và có màu giống với sản phẩm thật. Khi khách có nhu cầu, Liên và đồng bọn sẽ đóng vào lọ, hộp, dán tem nhãn. Bằng hình thức chào hàng trực tiếp hoặc qua điện thoại với giá thấp hơn các sản phẩm cùng loại, Liên chỉ đạo Linh và Việt đóng gói, giao hàng cho các đại lý trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Liên quan đến vụ việc này, cơ quan chức năng cho biết hiện đang tiếp tục điều tra làm rõ, đồng thời sẽ tiến hành giám định lượng độc tố trong các sản phẩm TPCN này.
Bộ Y tế đề nghị xử lý nghiêm hành vi gian lận thương mại liên quan đến y tế
Thực tế cho thấy, liên tiếp trong những ngày gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ sản xuất, vận chuyển hàng giả, hàng nhái liên quan đến các mặt hàng như TPCN, hương liệu sản xuất thực phẩm, phụ gia thực phẩm… Nhiều đối tượng đã lợi dụng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm và các sản phẩm liên quan đến sức khỏe của người dân dịp cuối năm gia tăng để cố tình sản xuất, vận chuyển, kinh doanh những mặt hàng này nhằm kiếm lời bất chính mà quên đi những nguy hại đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Về phía ngành y tế, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, ngày 27/1, Thứ trưởng kiêm Trưởng ban Chỉ đạo 389 Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, Bộ Y tế vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố, Tổng cục Hải quan đề nghị tăng cường phối hợp chỉ đạo trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và hàng kém chất lượng dưới mọi hình thức trong lĩnh vực y tế nói chung.
Theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, thời gian gần đây, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng nói chung diễn biến phức tạp; đặc biệt đối với nhóm mặt hàng mỹ phẩm, hương liệu thực phẩm, TPCN giả, kém chất lượng có xu hướng gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sản xuất kinh doanh, tính cạnh tranh và sức khỏe người dân.
Bộ Y tế cũng đề nghị Tổng cục Hải quan sớm thông tin kịp thời về nhóm mặt hàng thuộc lĩnh vực y tế có tiềm ẩn nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại để Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động phối hợp triển khai phòng ngừa. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để khuyến khích các cá nhân, tổ chức chủ động, tích cực tố giác các vi phạm trong lĩnh vực y tế nói riêng.
“Trong trường hợp phát hiện buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trong lĩnh vực này, Bộ Y tế đề nghị xử lý nghiêm và công khai theo đúng quy định của pháp luật”- Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh.
N.Hà - T.Bình