Hà Nội

Sốc với hình ảnh chảy máu lại nhầm tưởng là bệnh trĩ

20-12-2018 12:08 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Bệnh nhân đi đại tiện ra máu kéo dài nhưng chủ quan vì nghĩ do bệnh trĩ, đến khi vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhân Dân 115, bác sĩ nội soi trực tràng phát hiện một polyp kích thước khoảng 20 mm đang chảy máu.

Ngày 16/12, khoa Cấp cứu tổng hợp - Bệnh viện Nhân Dân 115 tiếp nhận một bệnh nhân nữ, 55 tuổi, nhà ở Tây Ninh nhập viện với lý do đi đại tiện ra máu đỏ tươi nhiều lần.

Bệnh nhân được xử trí cấp cứu ban đầu và chỉ định nội soi trực tràng cấp cứu. Trong quá trình nội soi các bác sĩ phát hiện trong trực tràng có một polyp kích thước khoảng 20 mm bề mặt hơi sùi, có cuống ngắn, đang chảy máu. Bệnh nhân được tiến hành cắt đốt polyp để cầm máu và lấy mẫu bệnh phẩm làm giải phẫu bệnh.

Polyp trực tràng đã được cắt đốt qua nội soi và kẹp cầm máu bằng clip.

Theo BSCK2. Đinh Thu Oanh, Trưởng Đơn vị nội soi, Bệnh viện Nhân dân 115, polyp đại trực tràng là những khối lồi vào lòng đại trực tràng, được hình thành do sự tăng sản của lớp niêm mạc đại trực tràng, đây là một trong những nguyên nhân gây nên ung thư đại tràng. Diễn biến của bệnh polyp đại trực tràng khá phức tạp, đã có nhiều nghiên cứu đã chứng minh hơn 95% ung thư đại trực tràng có nguồn gốc từ polyp.

Polyp đại trực tràng có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất là trên 50 tuổi hoặc hơn và thường gặp ở những bệnh nhân thừa cân, hút thuốc lá, đã từng bị polyp đại tràng hoặc ung thư đại tràng, viêm loét đại tràng hoặc crohn, đái tháo đường típ 2 không kiểm soát tốt, tiền sử gia đình có bị polyp đại tràng hoặc ung thư đại tràng.
Polyp đại trực tràng thường tiến triển âm thầm không có biểu hiện lâm sàng và thường chỉ có triệu trứng khi polyp đã lớn gây tắc ruột hoặc gây xuất huyết.
Khi bị đi cầu ra máu, người bệnh nên đi khám và nội soi để loại trừ các nguyên nhân xuất huyết do polyp hay do ung thư hoặc do nguyên nhân khác, tránh trường hợp chủ quan để bệnh tiến triển nặng mới đi khám thì đã quá trễ.
Trường hợp của bệnh nhân ở Tây Ninh trên đây được phát hiện tương đối sớm và xử lý kịp thời. Trên thực tế, có nhiều bệnh nhân đi cầu ra máu kéo dài nhưng chủ quan vì nghĩ do bệnh trĩ, đến khi tới khám thì khối u đã quá lớn và phải xử trí bằng phẫu thuật, các bác sĩ nhấn mạnh.

Polyp trực tràng đang chảy máu.


Tiềm ẩn nguy cơ trở thành ung thư đại trực tràng

Theo các bác sĩ, polyp trực tràng có thể do đột biến gen làm phát triển tế bào không bình thường tạo thành polyp, hoặc có thể do di truyền hoặc do viêm nhiễm niêm mạc trực tràng bởi vi khuẩn hoặc do ký sinh trùng. Có đến 90% số ca polyp trực tràng gặp ở những người từ 50 tuổi trở lên.

Bên cạnh đó, có khá nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến mắc polyp trực tràng, đó là tuổi càng cao tỉ lệ gặp polyp trực tràng càng nhiều, nam gặp nhiều hơn nữ, các thói quen hút thuốc, nghiện rượu bia hoặc do chế độ ăn không hợp lý (ăn nhiều chất béo, ăn ít chất xơ, ăn nhiều loại thức ăn có màu đỏ) hoặc do béo phì kèm theo lười hoặc ít vận động cơ thể hoặc đã từng mắc bệnh viêm trực tràng mạn tính.

Một số trường hợp đã từng bị ung thư buồng trứng (nữ giới) hoặc đã từng cắt bỏ polyp, có thể có khả năng bị bệnh polyp trực tràng hoặc tái phát polyp trực tràng.

Những polyp đơn độc có thể là những khối u hoàn toàn lành tính và tồn tại trong nhiều năm mà không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Tuy nhiên, vẫn có tiềm ẩn nguy cơ trở thành ung thư đại trực tràng sau này nếu nó lớn dần lên (kích thước to dần lên, vượt trên 5mm).

Trong trường hợp polyp trực tràng quá lớn, nhiều polyp hoặc có viêm loét bề mặt polyp, có thể gây đi cầu khó hoặc có máu trong phân hoặc máu có thể lẫn dịch nhầy và cảm giác đau buốt khi đi ngoài.

Ngoài việc tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh polyp đại tràng cần có chế độ ăn hợp lý tránh ăn nhiều chất béo, thịt đỏ (thịt trâu, thịt bò, thịt chó) và trong các bữa ăn hàng ngày nên ăn nhiều hơn các loại rau, quả và ngũ cốc. Với người cao tuổi, tốt nhất là không uống rượu, bia, nhất là những người có sẵn bệnh huyết áp, tim mạch, bệnh đường tiêu hóa, đái tháo đường.


Để phòng ngừa polyp đại tràng, cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Ăn nhiều rau và trái cây, thực phẩm nhiều chất xơ.
- Hạn chế thịt đỏ, thịt hộp, thực phẩm nhiều chất béo.
- Giảm cân nếu có thừa cân.
- Nếu gia đình có người bị ung thư đại trực tràng hay polyp đại trực tràng thì phải tầm soát định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.


Lê Hà
Ý kiến của bạn