Sóc Trăng: Chủ động phòng, chống lây nhiễm bệnh sởi

01-05-2014 10:39 | Thời sự

Trước tình hình bệnh sởi lây lan và để lại hậu quả khó lường trên các địa phương cả nước, ngành Y tế Sóc Trăng đã đề ra nhiều giải pháp nhằm khống chế, dập tắt bệnh sởi. Thầy thuốc Nhân dân, BSCKII Trương Hoài Phong - Giám đốc Sở Y tế Sóc Trăng có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này.

 

BS. Trương Hoài Phong, GĐ Sở Y tế Sóc Trăng

Trước tình hình bệnh sởi lây lan và để lại hậu quả khó lường trên các địa phương cả nước, ngành Y tế Sóc Trăng đã đề ra nhiều giải pháp nhằm khống chế, dập tắt  bệnh sởi. Thầy thuốc Nhân dân, BSCKII Trương Hoài Phong - Giám đốc Sở Y tế Sóc Trăng có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này.

          PV: Xin bác sĩ vui lòng cho biết thực trạng tình hình bệnh sởi trên địa bàn Sóc Trăng như thế nào?

BS. Trương Hoài Phong: Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên, lưu hành phổ biến ở trẻ em. Bệnh lây từ người sang người, chủ yếu qua đường hô hấp. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa Đông - Xuân. Đến nay, sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi. Tất cả những người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Bệnh có tốc độ lây nhiễm rất cao, đặc biệt trong phòng, không gian khép kín và ở nhóm người chưa có miễn dịch phòng bệnh sởi do chưa được tiêm chủng vắc xin sởi, chưa từng mắc bệnh sởi trước đó hoặc ở một số rất ít đối tượng không có đáp ứng sau tiêm vắc xin.

Tổng số sốt phát ban nghi sởi cộng dồn toàn tỉnh đến 10 giờ ngày 28-4 là 336 ca. (thành phố Sóc Trăng 87 ca, Long Phú 72 ca, Mỹ Xuyên 34 ca, Vĩnh Châu 27 ca, Trần Đề 25 ca, Châu Thành 25 ca, Mỹ Tú 23 ca, Kế Sách 15 ca, Thạnh Trị 15 ca, Ngã Năm 7 ca, Cù Lao Dung 5 ca). Toàn tỉnh có 26 ca xét nghiệm dương tính vi rút sởi (Long Phú 7 ca, thành phố Sóc Trăng 4 ca, Mỹ Tú 4 ca, Trần Đề 4 ca, Mỹ Xuyên 3 ca, Vĩnh Châu 2 ca, Châu Thành 2 ca). Không có các ổ dịch lớn trong trường học hay ở cộng đồng do nền tảng miễn dịch của vắc xin sởi đã bảo vệ.

PV: Ngành y tế đã có nhiều biện pháp được triển khai, tuy nhiên trong công tác tiêm chủng còn gặp những khó khăn, vướng mắc gì cần tháo gỡ, thưa bác sĩ?

BS. Trương Hoài Phong: Trong công tác tiêm chủng hiện nay đang gặp một số khó khăn, như: Chiến dịch triển khai trên diện rộng, đối tượng lớn trong khi nhân lực y tế dành cho công tác này còn hạn chế. Việc vận chuyển và bảo quản lạnh vắc xin rất khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa. Thiếu kinh phí hỗ trợ cho chiến dịch, phải lồng ghép vào tiêm chủng thường xuyên nên công tác điều tra đối tượng chưa thực hiện đầy đủ, nguy cơ sót trẻ vẫn còn. Do thời gian gần đây, ảnh hưởng của một số trường hợp tai biến sau tiêm chủng nên người dân có tâm lý e ngại không đưa con đi tiêm chủng, trong đó có vắc xin sởi. Chiến dịch tiêm diễn ra trùng với thời điểm nghỉ tết của đồng bào Khơme, nên ảnh hưởng đến tiến độ tiêm.

 

   PV: Để công tác phòng, chống dịch sởi đạt hiệu quả thiết thực, theo bác sĩ, đâu là giải pháp hữu hiệu?

BS. Trương Hoài Phong: Sở Y tế tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mọi người, mọi nhà về lợi ích tiêm phòng bằng vắc xin, bởi đây là biện pháp hiệu quả nhất ngăn ngừa bệnh sởi; hệ thống loa truyền thanh cơ sở tăng thời lượng phát thanh, phổ biến rộng rãi kiến thức phát hiện, xử trí ban đầu bệnh nhân nghi sởi. Đẩy mạnh truyền thông phòng, chống bệnh sởi, tuyên truyền cho người dân hiểu về bệnh sởi, nguồn lây cũng như các biện pháp phòng, chống để người dân không hoang mang lo lắng, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn, nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện đối với trẻ.

Các địa phương khẩn trương rà soát, nắm danh sách trẻ trong diện tiêm, tổ chức tốt công tác tiêm phòng sởi để nâng tỷ lệ người có miễn dịch, triển khai quyết liệt chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi, hoàn thành kế hoạch trong tháng 4-2014, đảm bảo kết quả tiêm vắc xin sởi trên 95% và an toàn tiêm chủng (độ tuổi tiêm từ 9 tháng đến 2 tuổi; đối với các ổ dịch tập trung tiêm độ tuổi cao hơn).

Phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị y tế dự phòng và các cơ sở điều trị tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh (không bỏ sót trường hợp mắc bệnh, hạn chế chẩn đoán nhầm ca sởi với các trường hợp sốt phát ban khác). Đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát, đôn đốc việc triển khai kế hoạch tiêm vét vắc xin sởi cũng như triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức phân tuyến điều trị, hỗ trợ cán bộ, trang thiết bị cho các bệnh viện để tổ chức cấp cứu, điều trị nhằm giảm quá tải. Phân luồng, cách ly các bệnh nhân sởi, viêm phổi, sốt phát ban chưa rõ lâm sàng bệnh sởi, chưa được chẩn đoán dương tính với sởi; ngăn chặn lây chéo trong bệnh viện, giảm các trường hợp nặng và tử vong.

Bổ sung kinh phí, nhân lực, trang thiết bị, vật tư bằng các nguồn kinh phí dự phòng, nguồn của các địa phương để tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng, chống dịch, đặc biệt là kế hoạch tiêm vắc xin phòng, chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi.

          PV: Để chủ động phòng, chống lây nhiễm dịch sởi trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 01-5, Bộ Y tế có những khuyến cáo gì cho người dân, thưa bác sĩ?

BS. Trương Hoài Phong: Đó là, đối với người có các triệu chứng viêm đường hô hấp hoặc nghi ngờ mắc sởi như sốt, ho, khó thở, phát ban không nên đi du lịch hoặc đến nơi tập trung đông người.

Không nên đưa trẻ chưa được tiêm vắc xin sởi đến những nơi tập trung đông người, như: khu vui chơi, giải trí để tránh bị nhiễm sởi; tăng cường dinh dưỡng cho trẻ, thường xuyên vệ sinh răng miệng, mũi, họng, mắt và thân thể cho trẻ, rửa tay với xà phòng khi chăm sóc trẻ, giữ nhà ở, nhà vệ sinh sạch sẽ. Trong quá trình đi du lịch, nếu có các triệu chứng nghi ngờ mắc sởi như sốt, ho, phát ban, đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời và hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh lây lan.

Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi hoặc trẻ  từ 9 tháng đến 10 tuổi theo ở những nơi có nguy cơ cao đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Hoàng Liên Phương (thực hiện)


Ý kiến của bạn