Sốc phản vệ và những điều đáng quan tâm

07-01-2014 00:00 | Y học 360
google news

Những vụ sốc phản vệ liên tiếp trong thời gian qua, làm nóng dư luận, gây nhiều lo lắng, tranh cãi song thực ra số các vụ được biết còn ít hơn nhiều so với số vụ xẩy ra. Hiểu, giải thích rõ, xử lý đúng, tìm cách giảm thiểu sốc phản vệ là vấn đề đáng quan

Những vụ sốc phản vệ liên tiếp trong thời gian qua, làm nóng dư luận, gây nhiều lo lắng, tranh cãi song thực ra số các vụ được biết còn  ít hơn nhiều so với số vụ xẩy ra. Hiểu, giải thích rõ, xử lý đúng, tìm cách giảm thiểu sốc phản vệ là vấn đề đáng  quan tâm.

Ở các nước phát triển, tỉ lệ sốc phản vệ tính trên dân số hàng năm là 5/1000.000. Ở nước ta, theo GS. Nguyễn Năng An, Chủ nhiệm khoa Dị ứng Bệnh viện Bạch Mai, tỉ lệ này vào khoảng 8,5/ 1000.000 cao hơn các nước phát triển 1,7 lần.

Tỉ lệ tử vong SPV ở châu Âu  5/100.000, ở Mỹ 58,9 /100.000. Những con số chênh lệch nhau đến 10 lần, theo PGS.TS. Phạm Duệ, Chủ nhiệm khoa Chống độc BV. Bạch Mai, là do khả năng thống kê của mỗi nước.

 

 Tiềm năng gây ra sốc phản vệ

Trong hóa dược, phụ thuộc vào cấu trúc phân tử: kháng sinh betalactam (penicillin và thế hệ mới ceftriaxon, cefotaxim) có tiềm năng gây sốc phản vệ cao hơn các nhóm kháng sinh khác. Dịch truyền dextran có tiềm năng gây sốc phản vệ cao hơn glucose 5% và glucose 5% cao hơn  natrichlorid 0, 9%  Trong  vắc-xin, phụ thuộc vào cách chế tạo. Vắc-xin ho gà hữu bào dùng cả con vi khuẩn làm kháng nguyên, chứa tới 3.000 thành phần kháng nguyên. Vắc-xin ho gà vô bào dùng một phần nhỏ con vi khuẩn làm kháng nguyên, chỉ chứa tới 3 - 5 thành phần kháng nguyên. Do thế vắc-xin ho gà hữu bào có tiềm năng gây ra SPV cao hơn vắc-xin ho gà vô bào. Theo đó, vắc-xin quivaxem có chứa vắc-xin ho gà hữu bào có tiềm năng gây SPV cao hơn vắc-xin printaxim, infan hexan chỉ chứa toàn các vắc-xin vô bào.

Có khi vì bảo quản không tốt mà lô thuốc - vắc-xin  bị biến chất và chính tạp chất và  gây ra sốc phản vệ. Thông thường trong BV hay tiêm chủng mở rộng (TCMR) trước khi dùng đã kiểm tra đạt chất lượng, nên hiếm gặp nguyên nhân này. Có khi do dùng sai như dùng vắc-xin cho trẻ đang bị sốt, đang mắc một só bệnh nào đó, tạo yếu tố thuận lợi gây ra sốc phản vệ. Khi xảy ra sốc phản vệ nếu kiểm tra lô thuốc - vắc-xin đảm bảo chất lượng, kiểm tra việc dùng  không  thấy sai sót thì kết luận sốc phản vệ đó không do chất lượng lô thuốc - vắc-xin; không do lỗi người  dùng  mà do bản chất của thuốc - vắc-xin đó.

Ba nguyên nhân gây ra sốc phản vệ có khác nhau nhưng đều liên quan đến thuốc - vắc-xin. Ngay cả khi đã loại trừ hai nguyên nhân đầu, kết luận sốc phản vệ xảy ra do bản chất thuốc-vắc-xin trên cơ địa cụ thể của người bệnh thì vẫn có liên quan đến thuốc - vắc-xin. Bởi lẽ, nếu không dùng thuốc - vắc-xin thì làm sao xảy ra sốc phản vệ được. Nói một  cách chung chung là sốc phản vệ không liên quan đến thuốc - vắc-xin đó, là diễn đạt chưa rõ nghĩa, dễ gây thắc mắc.

Có cách nào phòng chống sốc phản vệ hiệu quả không?

Trước khi dùng, phải thử xem thuốc đó có khả năng gây sốc phản vệ cho người bệnh không? Nguyên lý thử:  Đưa một ít thuốc vào da người bệnh, sau thời gian quy định, nếu quan sát không thấy có hiện tượng bất thường xảy ra là được phép dùng thuốc cho người đó. Cách thử này khó cho kết quả chính xác, khó làm cho mọi thuốc. Có người bệnh khi thử không thấy gì bất thường, nhưng khi dùng lại bị sốc phản vệ, thậm chí có người ngay khi dùng chẳng có biểu hiện gì nhưng sau đó lại xảy ra sốc phản vệ muộn. sốc phản vệ thực chất là một phản ứng dị ứng nặng, có thể xảy ra với bất cứ thuốc nào, không lệ thuộc vào liều dùng, khó mà thử hết được. Hơn 50 năm trước, Bộ Y tế nước ta quy định phải thử penicillin steptomycin trước khi tiêm. Từ đó đến nay, không quy định thử thêm thuốc nào nữa. Riêng vắc-xin không thấy nước nào trên thế giới quy định phải thử trước khi dùng.

Trước khi dùng, phải khám xét, phải khai thác tiền sử, không cho dùng  nếu như người ấy có bệnh, có cơ địa  mẫn cảm với thuốc - vắc-xin. Tuy nhiên có người không có bệnh, cơ địa bình thường nhưng khi dùng vẫn xảy ra sốc phản vệ. Cũng có người trước đây có dùng thuốc đó không bị dị ứng, nhưng không rõ vào thời điểm dùng thuốc do tác động ngoại lai hay do thay đổi trong cơ thể mà trở nên dễ nhạy cảm, bị sốc phản vệ. Đối với vắc-xin thì càng khó: trẻ mới sinh ra hay chỉ mới vài tháng tuổi, có thể khám biết được bệnh cấp nhưng khó biết có bệnh mạn gì, lại chưa bao giờ dùng vắc-xin cả nên không thể có tiền sử dùng vắc-xin, thì làm sao có thể dự đoán trẻ bị hay không bị sốc phản vệ được? Khám và khai thác tiền sử để loại trừ các trường hợp chống chỉ định có góp phần làm giảm tần suất sốc phản vệ nhưng cũng không chắc chắn 100%.

Có người sốc phản vệ xảy ra chậm, có người xảy ra rất nhanh ngay sau khi mới rút kim tiêm ra, chỉ trong vài phút thậm chỉ vài giây là tử vong ngay, không kịp trở tay. Cũng có người sau khi cấp cứu đã  ổn, tưởng qua khỏi, sau đó lại bị sốc phản vệ muộn, nặng hơn, không cứu được.

Bộ Y tế nước có quy định nơi tiêm thuốc phải có hộp chống sốc, phải có phương tiện chống sốc phản vệ (tùy theo tuyến); khi xảy ra sốc phản vệ phải xử lý kịp thời; đối với những thuốc có tiềm năng gây  sốc phản vệ cao thì không được dùng tại nhà hay tại nơi không có những điều kiện trên. Làm đúng vậy, sẽ góp phần giảm tỉ lệ  sốc phản vệ nhưng cũng không phải  chắc chắn 100%, có khi làm hết cách vẫn không tránh khỏi rủi ro. PGS.TS. Phạm Duệ khi trả lời phỏng vấn báo Nhân Dân đã nói: “Các vụ rủi do  sốc phản vệ mới đây quả thực đáng tiếc, nhưng dù là ở nước ta hay bất cứ quốc gia phát triển nào thì rủi ro vẫn có thể xảy ra;  việc giảm rủi ro của SPV từ 20% xuống 10% là không quá khó, nhưng giảm từ 10% xuống 5% hay thấp hơn nữa là việc chẳng hề đơn giản. Đó là vấn đề khoa học chứ không phải thích là được”.

Có thuốc dùng  chống sốc bảo vệ nhưng phải dùng đúng?

Mục tiêu dùng thuốc và các biện pháp khác là để giải quyết kịp thời hiệu quả các vấn đề lớn, viết tắt là ABCDE (A: airway = đường thông khí - B: breathing = sự hô hấp - C: circulation = lưu thông máu - D:disability level of consciousness = tính trạng mất ý thức - exposure of skin = biểu hiện ở da).

Mỗi nước có quy định danh mục, cách dùng thuốc trong SPV, về cơ bản giống nhau nhưng cũng có khác nhau vài chi tiết. Các nước đều coi epinephrin là chỉ định bắt buộc; coi việc tiêm bắp ngay lập tức, dù một liều nhỏ, cũng làm tăng cơ hội cứu sống, việc không tiêm bắp ngay lập tức sẽ làm tăng nguy cơ SPV thì 2 dẫn tới tử vong. Có lẽ vì lý do này, mà ngay đơn vị y tế chỉ có y sĩ  vẫn cho trang bị epinephrin, một số nước còn sản xuất cả loại epinephrin định liều đóng gói sẵn trong ống tiêm, có sẵn kim tiêm cho người bệnh tự dùng. Tất cả điều đó chỉ nhằm giải quyết sự kịp thời. Chống  sốc phản vệ  phải có đến 5 vấn đề ABCDE, chỉ khoa hồi sức cấp cứu tuyến trên, có thầy thuốc giàu kinh nghiệm, có đủ trang bị, thuốc men, có các biện pháp khác mới  giải quyết tốt 5 vấn đề đó. Khi sốc phản vệ xảy ra tuyến y tế cơ sở hay người bệnh chỉ có thể giải quyết khâu cấp cứu ban đầu, sau đó phải tìm cách đưa ngay lên tuyến trên.

Một số nước đưa corticoid vào danh mục thuốc dùng trong sốc phản vệ, nhằm giải quyết  các phản ứng dị ứng đến chậm, nhưng không coi corticoid là chỉ định bắt buộc. Nhiều kỹ thuật viên hiểu nhầm, dùng corticoid  tiêm cùng với các thuốc khác, trộn vào dịch truyền với hy vọng phòng  sốc phản vệ. Đó là cách dùng thuốc sai, phải loại bỏ.

Lời khuyên khi dùng một số thuốc có tiềm năng sốc phản vệ  cao

- Đối với thuốc có tiềm năng  sốc phản vệ cao (peniclin, streptomycin, dịch truyền, vắc-xin) bao giờ cũng phải cân nhắc kỹ, chỉ dùng khi lợi ích cao hơn nguy cơ. Không chỉ thầy thuốc mà người bệnh cũng có thể hiểu, làm được. Có thể nên hai ví dụ: một sản phụ bị nhiễm virút viêm gan B (HBV) tromg nhà có người bị nhiễm HBV. Khi sinh ra từ người mẹ có nhiễm HBV thì 90% trường hợp trẻ sẽ bị nhiễm HBV. Trong trường hợp này, bà mẹ nên tiêm vắc-xin viêm gan B  cho con ngay sau khi sinh vì lợi ích cao hơn (sẽ không bị nhiễm HBV) nếu không tiêm thì nguy cơ cao( 90% sẽ bị nhiễm HBV). Trái lại một sản phụ không nhiễm HBV, trong nhà cũng không có người nhiễm HBV. Trong trường hợp này, bà mẹ có thể hoãn chưa tiêm vắc-xin viêm gan B cho con ngay sau sinh mà còn chờ cho con có một số tháng tuổi. Điều này không sai, bởi lẽ trẻ mới sinh dễ mẫn cảm, dễ bị  sốc phản vệ hơn so với trẻ lớn) trong khi đó nguy cơ trẻ  bị nhiễm HBV không cao (gia đình không có ai nhiễm HBV, trước 6 tháng tuổi trẻ chỉ bú mẹ, chưa ra khỏi gia đình, khả năng xảy ra nhiễm HBV là ít). Hiện nay có trường hợp trẻ tiêm vắc-xin viêm gan B chết vì SPV chưa rõ nguyên nhân thì bà mẹ cân nhắc như vậy là có lý, có tình.

- Không được dùng thuốc có tiềm năng  sốc phản vệ cao ở nhà hay ở cơ sở y tế không có điều kiện chống  sốc phản vệ .

- Không điều trị tại nơi không có chức năng chữa bệnh (vì quen biết vì ngại đi xa). Thầy thuốc có thể giỏi, khi ở trong môi trường BV có sẵn  phương tiện, thuốc men, có thầy thuốc nhân viên trong khoa, có khoa khác hỗ trợ nên cái giỏi ấy được phát huy. Khi  thầy thuốc về làm riêng tại nhà, chỉ có cái ống nghe huyết áp, chỉ được giữ một ít thuốc cấp cứu, không có ai hỗ trợ nên không thể làm được mọi việc như ở bệnh viện.

- Có một số bệnh cấp và mạn ở trẻ em và người lớn làm tăng tần suất  sốc phản vệ, được coi là chống chỉ định. Phải khám bệnh, phải khai rõ tiền sử bệnh trước khi dùng thuốc - vắc-xin để loại bỏ nguy cơ dùng nhầm vào trường hợp chống chỉ định.

Không được dùng thuốc có tiềm năng sốc phản vệ cao ở nhà hay ở cơ sở y tế không có điều kiện chống sốc phản vệ.

DS.CKII. Bùi Văn Uy


Ý kiến của bạn