Sốc nhiệt do nắng nóng và cách phòng tránh

27-05-2023 07:29 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Hầu hết sốc nhiệt xảy ra khi mọi người tập thể dục, lao động, di chuyển trong thời tiết quá nóng và ẩm ướt mà không bù đủ dịch mất qua mồ hôi.

Sốc nhiệt là bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng tăng nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C và kèm theo rối loạn chức năng thần kinh (rối loạn ý thức, hôn mê, co giật). 

Sốc nhiệt có thể xảy ra ở những người lớn tuổi, những người có vấn đề về sức khỏe, trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Nếu không được xử lý kịp thời thì dễ dẫn đến tử vong.

Hầu hết sốc nhiệt xảy ra khi mọi người tập thể dục, lao động, di chuyển trong thời tiết quá nóng và ẩm ướt mà không bù đủ dịch mất qua mồ hôi. Ảnh minh họa

Hầu hết sốc nhiệt xảy ra khi mọi người tập thể dục, lao động, di chuyển trong thời tiết quá nóng và ẩm ướt mà không bù đủ dịch mất qua mồ hôi. Ảnh minh họa

Phân loại và triệu chứng bị sốc nhiệt

Sốc nhiệt được chia thành 2 nhóm: sốc nhiệt kinh điển và sốc nhiệt do gắng sức, hai thể này khác nhau về cơ chế nhưng biểu hiện lâm sàng giống nhau.

Sốc nhiệt kinh điển (classic heatstroke):

‎+ Hay gặp ở người già, cơ thể suy nhược, trẻ em, người có bệnh tim mạch, bệnh thần kinh, hay các rối loạn nội tiết.

‎+ Tiếp xúc một cách thụ động với một môi trường có nhiệt độ cao trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày

Sốc nhiệt do gắng sức (exertional heatstroke)

‎+ Hay gặp những người trẻ, khỏe mạnh với hệ điều hòa nhiệt độ bình thường.

‎+ Thường phơi nhiễm với nhiệt độ môi trường tăng cao và đồng thời do sự sinh nhiệt lúc thể dục, gắng sức.

Khi bị sốc nhiệt, người bệnh thường có các biểu hiện như:

  • Sốt cao, da khô và nóng.
  • Người mệt, đau đầu, khó thở, đỏ mặt, mửa và ỉa chảy.
  • Các triệu chứng thần kinh xuất hiện như mê sảng, lên cơn động kinh, lẫn lộn, co giật.
  • Rối loạn tim mạch: rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp.
  • Rối loạn hô hấp: khó thở, suy hô hấp, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, suy gan, suy thận…

Biến chứng khi bị sốc nhiệt

Nắng nóng khiến nhiệt độ cơ thể tăng, bài tiết nhiều mồ hôi từ đó gây mất nước. Nếu người bệnh không bổ sung nước kịp thời sẽ khiến máu dễ bị kết dính và lưu thông kém. Hậu quả làm tăng huyết áp, dễ hình thành cục máu đông và gây tắc nghẽn mạch máu. Từ đó, tăng nguy cơ sốc nhiệt và đột quỵ.

Để điều trị sốc nhiệt, các bác sĩ sẽ làm mát cơ thể càng sớm càng tốt theo nhiều cách khác nhau: sử dụng quạt để thổi không khí trên da ướt, dội nước lạnh lên người hoặc cho người bị sốc nhiệt vào bồn nước đá. Nếu có thể, điều này cần được thực hiện trước khi đưa người bệnh đến bệnh viện.

Sốc nhiệt có thể gây biến chứng cho tất cả các cơ quan như tụt huyết áp, thay đổi, phù phổi, viêm phổi, suy thận cấp, hoại tử ống thận cấp, hạ kali máu, tăng kali máu, hạ calci máu, hạ đường huyết, tăng uric máu. Rối loạn đông máu, hội chứng đông máu rải rác nội mạch, hôn mê, mất trí nhớ, hoại tử tế bào gan, suy gan…

Để điều trị sốc nhiệt, các bác sĩ sẽ làm mát cơ thể càng sớm càng tốt theo nhiều cách khác nhau. Ảnh minh họa

Để điều trị sốc nhiệt, các bác sĩ sẽ làm mát cơ thể càng sớm càng tốt theo nhiều cách khác nhau. Ảnh minh họa

Các biện pháp tránh sốc nhiệt

Sốc nhiệt hoàn toàn có thể phòng tránh được. Vì thế phương pháp dự phòng rất quan trọng, đó là:

  • Hãy uống đủ định mức, đừng để khi khát thì mới uống. Chia lượng nước cho cả ngày, uống từng ngụm nhỏ. Những người làm việc ngoài trời hay chơi thể thao nên uống thêm các loại nước nước bù điện giải có chứa các ion thiết yếu như Na+, Cl-, Ca2+, Mg2+, K+…
  • Khi có các bệnh lý nguy cơ thì không được tập luyện trong điều kiện thời tiết quá nóng.
  • Mặc quần áo rộng, nhẹ, thoáng và sáng màu.
  • Hạn chế đi ra ngoài trời trong thời tiết nắng nóng vì rất có thể bạn sẽ bị mất nước và say nắng.
  • Không nên đang trong phòng máy lạnh mà ra ngoài nắng đột ngột. Để nhiệt độ phòng chênh lệch không quá 7oC.
  • Khi thấy các dấu hiệu như mệt mỏi, buồn nôn, lượng nước tiểu giảm, bị tiêu chảy liên tục trong 2 ngày thì hãy đến gặp bác sĩ ngay để được tư vấn và điều trị.

Xem thêm video được quan tâm

Ăn cá hay thịt tốt hơn | SKĐS


BS. Vũ Đức Anh
Ý kiến của bạn