Hà Nội

Sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng sau chầu rượu

21-05-2022 11:40 | Y tế
google news

SKĐS - Mắc đái tháo đường nhưng ông T vẫn thường xuyên uống rượu. 1 tuần trước, ông vào viện cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, suy giảm tri giác, huyết áp tụt mạnh.

4 ngày trước khi nhập viện, ông N.N.T (49 tuổi, Hà Nội) ăn kém, uống nhiều rượu kèm theo sốt, đi ngoài phân lỏng ngày 3-4 lần. Trưa 11/5, người nhà phát hiện bệnh nhân trong trạng thái lơ mơ, gọi hỏi không đáp ứng.

Ông được đưa vào khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) trong tình trạng Glassgow 7-8 điểm, mạch nhanh 110 lần/phút; huyết áp tụt 60/40mmHg; SpO2 80%, thở nhanh 30 lần/phút, không rõ yếu liệt.

Ngay sau đó bệnh nhân được bác sĩ đặt ống nội khí quản, thở theo bóp bóng, truyền dịch, vận mạch liều cao, làm các chỉ định cận lâm sàng cần thiết, chuyển khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Lúc này, ông phải dùng an thần – thở theo bóp bóng, mạch 110 lần/phút, huyết áp 90/60mmHg, SpO2 98%.

Các xét nghiệm cho thấy tình trạng nhiễm toan hóa máu nặng nề (pH 6.9, HCO3 4.3), nhiễm khuẩn rất nặng có suy đa tạng, đặc biệt kali máu của bệnh nhân rất cao: 7,5mmol/L. Tiên lượng rất nguy kịch, nguy cơ tử vong cao.

Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường tuýp 2 này nhanh chóng được các bác sĩ đánh giá là tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy tạng. Ông được điều trị tích cực bằng bù dịch kiềm và dịch đẳng trương, duy trì vận mạch liều cao, dùng kháng sinh kết hợp, lợi tiểu, thở máy xâm nhập.

Tuy nhiên, bệnh nhân đáp ứng hiệu quả kém, huyết áp cải thiện chậm và không có nước tiểu. Tiên lượng tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch, nếu không được điều trị, can thiệp kịp thời rất có thể nguy hiểm tới tính mạng. 

Bệnh nhân nhanh chóng được hội chẩn khoa và triển khai lọc máu liên tục chế độ CVVHDF bằng quả lọc Oxiris chỉ sau 1 giờ 30 phút nhập viện.

Sau 8h lọc máu, tình trạng toan kiềm của bệnh nhân cải thiện, cắt được vận mạch, bắt đầu có nước tiểu. Sau 2 ngày điều trị, bệnh nhân được rút ống nội khí quản, tình trạng nhiễm khuẩn giảm, huyết động ổn định.

Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân hết sốt, hết đi ngoài phân lỏng, huyết động ổn định, kiểm soát ổn đường máu, nhiễm khuẩn giảm sâu.

soc_nhiem_khuan.jpeg

Bệnh nhân T thời điểm cấp cứu tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.

Lọc máu liên tục (CRRT) là kỹ thuật lọc máu cho phép đào thải nước và các chất hòa tan ra khỏi máu bệnh nhân một cách liên tục thông qua cơ chế khuếch tán – thẩm tách, siêu lọc – đối lưu và hấp phụ. 

Liệu pháp thay thế thận này được chỉ định và có hiệu quả trong nhiều bệnh lý như sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm tụy cấp, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), điều chỉnh các rối loạn nước – điện giải, thăng bằng kiềm toan và an toàn cho các bệnh nhân có huyết động không ổn định.

Trong đó, bệnh lý sốc nhiễm khuẩn có sự giải phóng ồ ạt của các yếu tố viêm (cơn bão cytokin) gây nên một tình trạng toan chuyển rất nặng, nguy hiểm đến tính mạng. Nếu không phát hiện sớm và xử trí kịp thời có thể tử vong, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 60-70%. 

Lọc máu liên tục sớm là một trong những biện pháp hiệu quả để hạn chế cơn bão cytokin này, điều chỉnh tình trạng suy tạng kèm theo và giúp cải thiện tiên lượng người bệnh.

Bão Cytokine trong COVID-19 không mới nhưng chưa cũBão Cytokine trong COVID-19 không mới nhưng chưa cũ

SKĐS - Chúng ta đang thực hiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, cuộc sống đã và đang dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà chủ quan, đặc biệt là đối với những ca bệnh COVID-19 nặng.


Võ Thu
Ý kiến của bạn