Theo nghiên cứu của PGS.TS. Phạm Quang Vinh - Trưởng Khoa Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện Bạch Mai cùng cộng sự cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đông máu, trong đó tác nhân hàng đầu có thể đưa đến rối loạn đông máu là sốc nhiễm khuẩn và nhiễm khuẩn huyết chiếm tới 29,6%. Nhiễm khuẩn nặng là mối quan tâm lớn đối với sức khỏe cộng đồng và là gánh nặng đối với hệ thống chăm sóc y tế. Mặc dù có nhiều cải thiện trong kiểm soát nguồn nhiễm khuẩn nhưng đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao cho cộng đồng. Ở những bệnh nhân bị nhiễm khuẩn nặng, các rối loạn do viêm và đông máu có liên quan chặt chẽ với nhau.
Đông - cầm máu là biểu hiện của quá trình sinh học và sinh hóa, là sự thay đổi tình trạng vật lý của máu do sự biến chuyển của một protein hòa tan thành một gel rắn (sợi huyết). Sự biến chuyển này nhằm mục đích cuối cùng là hạn chế sự mất máu ở những nơi có tổn thương thành mạch. Quá trình đông - cầm máu còn tham gia giữ toàn vẹn của mạch máu và tình trạng lỏng của máu. Nhờ sự cân bằng giữa một bên là xu hướng làm đông và một bên là hạn chế làm đông làm cho máu luôn giữ ở dạng lỏng để lưu hành tuần hoàn và duy trì sự sống. Mất sự cân bằng này sẽ dẫn đến hậu quả tắc mạch hoặc chảy máu.
Các chuyên gia cũng cho biết, rối loạn đông máu mắc phải thường phức tạp hơn so với các rối loạn đông máu di truyền bởi vì có nhiều liên quan đến sự bất thường của nhiều yếu tố và phức tạp bởi có sự giảm số lượng và thiếu hụt chức năng của tiểu cầu, bất thường các chất ức chế đông máu và các bất thường về mạch máu. Rối loạn đông máu có thể gây ra chảy máu hoặc tắc mạch nhiều nơi, ồ ạt, đòi hỏi các thầy thuốc phải có biện pháp điều trị kịp thời và tích cực dựa trên những kết quả xét nghiệm chẩn đoán cũng như theo dõi điều trị.
Hà Anh