Liu Hsiung, 29 tuổi, yêu cầu y tá cho biết tình trạng của người vợ, Zhang Chun, 27 tuổi, khi được cảnh báo vợ anh gặp phải biến chứng nguy hiểm sau khi sinh tại Bệnh viện sức khỏe bà mẹ và trẻ em thành phố Tương Đàm, miền nam Trung Quốc. Anh nói: “Họ liên tục bảo tôi cô ấy đang trong phòng mổ, nhưng theo những gì tôi thấy thì trong phòng không còn vị bác sĩ nào cả”.
Vài giờ sau đó Hsuing cuối cùng cũng tìm cách vào được phòng mổ, nơi anh thấy thi thể của vợ mình trên bàn, một nhân viên vệ sinh ngồi cạnh đó thản nhiên ăn uống. May mắn thay con anh vẫn bình yên.
Anh nói: “Trong khi tôi ở bên ngoài, tuyệt vọng trước tình trạng của vợ mình, các bác sĩ trong đội phẫu thuật và nhân viên y tế đều đã đi về nhà và người vợ đã chết của tôi bị bỏ lại một mình trên bàn mổ trước mặt một nhân viên đang bình thản ăn trưa”.
Các quan chức bệnh viện cho biết, biến chứng phát sinh sau khi Hsiung và vợ của anh từ chối mổ đẻ vì em bé quá lớn: “Sau khi sinh, bệnh nhân chảy máu quá nhiều vì biến chứng tắc mạch ối hiếm gặp, chúng tôi phải phẫu thuật cắt tử cung của cô ấy nhưng cô vẫn không qua khỏi cơn nguy kịch”.
Hiện nay, Hsiung đang kiện chính quyền bệnh viện đòi bồi thường vì họ không thông báo sự việc cho anh: “Lý do họ giữ tôi ở bên ngoài quá lâu là nhằm xóa bỏ các chứng cứ và thêu dệt nên một câu chuyện. Nhưng tôi muốn xem tất cả giấy tờ, hồ sơ y tế và các báo cáo về trường hợp của vợ mình".
Một phát ngôn viên của bệnh viện khẳng định: “Chúng tôi đang đàm phán với chồng và gia đình của bệnh nhân về việc bồi thường. Chúng tôi thừa nhận, nhiều vấn đề đã được thực hiện sai trong trường hợp này".
(Biến chứng tắc mạch ối, vốn xảy ra với tỷ lệ 1:10.000 ca. Nước ối, chứa các tế bào ngoại lai từ thai nhi, đã di chuyển theo mạch máu đến các cơ quan nội tạng của người mẹ, kích hoạt một loạt phản ứng của cơ thể dẫn đến tình trạng suy hệ tuần hoàn).