Sốc do sốt xuất huyết nặng, bệnh nhi 6 tuổi được các bác sĩ cứu sống

01-09-2021 14:24 | Bệnh trẻ em
google news

SKĐS- Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, cũng là lúc thời tiết có nhiều điều kiện thuận lợi cho các bệnh như sốt xuất huyết dễ dàng bùng phát. Chống COVID-19 nhưng cũng không nên lơ là phòng các bệnh lây nhiễm khác.

BSCKI Nguyễn Cát Phương Vũ, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho biết: Các bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP. Hồ Chí Minh) vừa phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp cứu sống một bệnh nhi 6 tuổi bị sốc sốt xuất huyết nặng.

Trước đó các bác sĩ nhận được cuộc gọi của đồng nghiệp từ Khoa Hồi sức Nhi – Bệnh viện Đa Khoa Đồng Tháp hội chẩn về một trường hợp bé trai 6 tuổi, tên là H. T. H., được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng trên cơ địa dư cân, béo phì. Trẻ nặng 36kg trong khi bình thường ở tuổi này là 20-22 kg.

Trẻ sốt sau tiêm vaccine, cha mẹ cần lưu ý gì?Trẻ sốt sau tiêm vaccine, cha mẹ cần lưu ý gì?

SKĐS - Sốt sau tiêm vaccine là phản ứng thường gặp sau khi tiêm chủng, nhất là ở trẻ em. Tuy nhiên, cha mẹ cần theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của bé.

Sốc sốt xuất huyết nặng, bệnh nhi 6 tuổi được các bác sĩ cứu sống - Ảnh 1.

Tiếp nhận bé H.T.H trên xe cứu thương

BSCK2 Nguyễn Minh Tiến- Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố cho biết: Khai thác bệnh sử ghi nhận bệnh nhi sốt cao liên tục 4 ngày kèm nhức đầu, đau nhức mình, ói mửa. Ngày thứ 5, bệnh nhi biểu hiện đau bụng, tay chân lạnh, mệt... nên nhập viện địa phương trong tình trạng mạch không bắt được, huyết áp khó đo, được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng, điều trị truyền dịch chống sốc theo phác đồ.

Tuy nhiên, chỉ trong 6 giờ đầu, bệnh nhi biểu hiện suy hô hấp nặng bụng chướng căng, ói ra máu, đi cầu phân đen, huyết động không ổn định. Xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhi tổn thương gan nặng nên được hội chẩn. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố thống nhất đặt nội khí quản giúp thở, tiếp tục truyền dịch chống sốc và chuyển viện.

Tại đây, bệnh nhi được hỗ trợ hô hấp thở máy, tiếp tục chống sốc, đo huyết áp động mạch xâm lấn, áp lực tĩnh mạch trung tâm, sử dụng thuốc vận mạch. Bệnh nhi diễn tiến nặng, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tràn dịch màng bụng, màng phổi lượng nhiều, tổn thương gan thận, được tiếp tục chống sốc bằng cao phân tử dextran, truyền máu và chế phẩm máu, điều chỉnh toan, điều trị hỗ trợ gan thận.

Sốc sốt xuất huyết nặng, bệnh nhi 6 tuổi được các bác sĩ cứu sống - Ảnh 2.

Hỗ trợ chuyển bệnh nhi vào khoa cấp cứu

Theo BSCK2 Nguyễn Minh Tiến, sau 1 tuần điều trị, tình trạng bệnh nhi ổn định dần, được cai máy thở, thở khí trời, tỉnh táo. Đây là trường hợp sốc sốt xuất huyết nặng, biến chứng suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan thận được cứu sống nhờ phối hợp chặt chẽ giữa 2 bệnh viện.

Lời khuyên của thầy thuốc

Hằng năm, dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) thường phát triển mạnh nhất vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 11. Ở các tỉnh phía Nam, dịch có thể xảy ra quanh năm. Do điểm chung giữa người mắc COVID-19 và SXH là  sốt, có biểu hiện ho hoặc đau nhức người nên mọi người cần theo dõi sát tránh nhầm lẫn. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh  SXH và COVID-19 có triệu chứng ban đầu tương tự nhau, chỉ có thể phân biệt khi bệnh  tiến triển rõ ràng hơn.

Chia sẻ về vấn đề này, BSCKI Nguyễn Cát Phương Vũ khuyến cáo, phụ huynh khi thấy con em mình sốt trên 2 ngày đặc biệt nằm một chỗ không chơi, đau bụng, tay chân lạnh, chảy máu cam, máu răng... cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện để được điều trị cấp cứu kịp thời. Tránh để SXH biến chứng có thể nguy hiểm tính mạng.


Sốc sốt xuất huyết nặng, bệnh nhi 6 tuổi được các bác sĩ cứu sống - Ảnh 3.

Trẻ được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức cấp cứu, thở máy, truyền dịch chống sốc, truyền máu, chế phẩm máu

Có thể bạn quan tâm:

Nội soi dạ dày có thể bao gồm những biến chứng nào?



Khánh Mai
Ý kiến của bạn