Hành trình hồi phục của bé trai V.T.N (hiện 5 tháng tuổi) nhiễm lao kê nặng, phổi trắng xoá, kén khí do các ổ lao vỡ liên tục gây tràn khí màng phổi những 4 lần, thở máy kéo dài, suy hô hấp nặng đến thở máy rung tần số cao, lệ thuộc Oxy hơn 3 tháng tưởng chừng không còn cơ hội sống... nay đã xuất viện trong niềm vui khôn xiết của gia đình.
Nhớ lại tháng trước, nhìn con nằm thoi thóp trên giường bệnh phòng cách ly Khoa Hồi Sức Tích Cực, Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố HCM, chị N.(28 tuổi; ở tỉnh An Giang) rưng rưng nước mắt cho biết, đây là lần thứ 4 bé phải đặt ống thở máy và chọc hút khí màng phổi cấp cứu sau khi phát hiện bệnh lao 3 tháng trước.
Hình ảnh chụp X. Quang phổi của bệnh nhi. Ảnh BSCC
Chị N cho biết, nhà tận An Giang, vợ chồng chị vừa sanh con đầu lòng thì anh nhà phát hiện lao phổi, điều trị tấn công tới tháng thứ 2 thì đến bé bệnh, sốt ho liên tục 1 tuần, nhập viện địa phương uống thuốc không đỡ, bé ngày càng khó thở, chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố. Tại đây các bác sĩ chẩn đoán phổi con đã trắng xoá, xét nghiệm mới biết nhiễm lao kê rất nặng. Kể từ ngày đó, gia đình cứ nơm nớp thấp thỏm khi bệnh tình con chưa cải thiện được bao nhiêu lại trở nặng nhiều lần vì diễn tiến phức tạp của căn bệnh lao kê gây tàn phá phổi ghê gớm ở tuổi ăn tuổi lớn của con...
Thế rồi chuyện gì cũng qua, nhờ sự hồi phục kỳ diệu của bé, cùng nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ y bác sĩ, giải quyết triệt để từng đợt nhiễm trùng phổi cho bé, chọc hút khí màng phổi nhiều lần cấp cứu kịp thời do các kén lao vỡ, thậm chí lúc nặng nhất phải thở máy rung tần số cao để đảm bảo trao đổi khí cho bé, điều trị kháng sinh và kháng lao tấn công hơn gần 3 tháng đúng phác đồ...
Bs Ngô Văn Tuấn An, Khoa Hồi Sức Tích Cực cho biết, nhờ được theo dõi điều trị tích cực hơn 3 tháng, cơ hội cai máy thở của con đã đến, phổi con sáng dần lên, mô phổi giảm tổn thương và thông khí ngày càng hiệu quả, các kén khí lớn giảm rõ rệt. Các bác sĩ đánh giá nguy cơ tràn khí màng phổi và suy hô hấp có cải thiện và có khả năng ít tái phát, bé được chuyển viện đến bệnh viện Phạm Ngọc Thạch để điều trị tiếp tục phác đồ lao vào nửa tháng trước. Được biết con vừa được xuất viện trong vòng tay của gia đình tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.
Bác sĩ CK1 Nguyễn Cát Phương Vũ cho biết, trẻ mắc lao bẩm sinh thường do người mẹ mắc bệnh khi đang mang thai hoặc có thể đã mắc trước đó nhưng không được phát hiện. Cũng có một số ít trẻ sơ sinh nhiễm lao khi vừa lọt lòng do tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây từ phòng sinh, người thân gia đình. Những trường hợp này vẫn được gọi là bệnh lao bẩm sinh. Hệ miễn dịch ở trẻ sơ sinh vốn dĩ đã rất yếu nên khi biết mắc bệnh này, trẻ cần được điều trị ngay để tránh những biến chứng. Nếu phát hiện trễ, các bé có thể mắc các thể lao nặng như lao kê, lao màng não, dễ dẫn đến tử vong.
Chia sẻ về nhận biết triệu chứng, BS. Vũ cho biết, triệu chứng nghi ngờ nhiễm lao ở trẻ gia đình cần lưu ý: Trong 3 ngày đầu: trẻ có những biểu hiện sốt nhẹ 1-2 lần trong ngày, ăn ít hơn khẩu phần thường ngày một nửa; Một tuần sau đó các cơn ho dai dẳng xuất hiện, đôi khi có đờm màu vàng, trẻ vẫn sốt âm ỉ liên tục quẩn quanh 38 độ C, sút cân nhanh từ 1-2kg.
Trong 3 tuần: các cơn ho khan phát triển nặng kèm theo máu, sốt kéo dài thường xuất hiện vào sáng sớm hoặc chiều tối. Dùng kháng sinh thông thường không thể chữa khỏi, và trẻ có hiện tượng suy hô hấp, khó thở, sa sút cân nặng 3-5kg.
Nếu trẻ có những dấu hiệu này, ngay lập tức hãy đưa trẻ đến thăm khám tại bệnh viện, sau khi chụp Xquang và các xét nghiệm để biết chính xác trẻ có bị mắc lao phổi hay không.
Để phòng bệnh cho trẻ, nếu trong nhà có người bị bệnh lao, cần phải cách ly trẻ với người bệnh, tốt nhất là không ở cùng nhà với người bệnh. Người mắc bệnh lao không ho, khạc đờm bừa bãi; tránh tiếp xúc, hôn hít trẻ nhỏ cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn - bác sĩ Vũ khuyến cáo thêm.