Lối sống khoa học
Tôi cũng không nhớ nổi mình biết đến cái tên Khúc Hà Linh từ khi nào, chỉ biết rằng, hồi còn rất nhỏ, tôi đã nghe những bài hát do ông soạn lời được phát trong chương trình Dân ca và nhạc cổ truyền trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau này, khi đã trưởng thành và đi theo con đường viết báo, tôi mới có cơ hội được gặp gỡ, trao đổi với ông. Và, chúng tôi trở nên thân thiết hơn khi biết rằng ông là người con xứ Đông, cùng uống chung dòng nước sông Kinh Thầy với tôi. Rồi càng tìm hiểu sâu về con người Khúc Hà Linh, tôi thấy ở ông hiện lên một con người tài hoa với kiến thức uyên thâm, có sự hiểu biết sâu rộng, tinh tế trong nhiều lĩnh vực văn hóa.
NSƯT Khúc Hà Linh say sưa giới thiệu về những câu đối của mình.
Ở tuổi 74, ngày ngày trong tổ ấm ở ngõ 207 đường Quang Trung, TP. Hải Dương, ông vẫn bận rộn với những trang báo, trang văn và những bản nhạc soạn lời mới cho các đơn vị, báo đài ở Trung ương và địa phương. Nhiều người khi tiếp xúc với ông thường đặt câu hỏi: năng lượng ở đâu để khiến một người đàn ông đã ở quá nửa dốc bên kia cuộc đời vẫn thăng hoa trong nghệ thuật, sáng tác thì lại nhận được câu trả lời đầy hóm hỉnh: “Nếu không đi, nghĩ, viết và sáng tạo thì có lẽ tôi sẽ không là tôi nữa và tôi thấy cuộc đời mình sẽ thật nhạt nhẽo và vô vị”.
Ông kể, hồi còn công tác ở Trường Văn hóa Nghệ thuật Hải Dương, ông không hề biết sổ khám bệnh và cũng chẳng biết đăng ký khám ở đâu. Nhưng khi về hưu được 3 năm thì lại mắc một số bệnh người già như: mỡ máu, men gan, có khi là tăng huyết áp, tăng đường huyết.
Lại nhớ những ngày còn làm cố vấn chuyên môn ở Kênh truyền hình VTC10 - Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, có giai đoạn ông phải đi các nơi làm phim. Ông đã làm đạo diễn 7 bộ phim tài liệu có không gian rất rộng, vì thế đôi chân ông đã đặt đến những vùng núi cao, phải leo bộ hàng giờ trên dãy Yên Phụ (Kinh Môn), Thạch Bàn (Côn Sơn), Dược Lĩnh cổ viên (Chí Linh) rồi Hưng Yên, Hà Tĩnh, Kon Tum. Hồi ấy, đi đâu ông đều mang theo thuốc và uống theo chỉ dẫn của bác sĩ. Khi làm phim Có một tình yêu 1 tuần ở Tây Nguyên, ông mang theo thuốc uống đủ 7 ngày, ngày 3 bữa cơm là 3 bữa thuốc. Ông đã tự biết mình “sống chung với thuốc, cơm là thuốc, thuốc là cơm”.
Từ chục năm nay, ông đi bộ đều đặn. Sáng đi 40-50 phút. Mưa nhỏ đi gần, mang theo ô che. Nắng ráo, ông ra tận hồ Bạch Đằng cách nhà 1km đi dạo. Gặp bạn bè thì ngồi trò chuyện với nhau hàng giờ đồng hồ. Về ăn sáng lại vào bàn làm việc. Nhiều người nói: “Là nhà văn phải thức khuya sáng tác” nhưng ông ngược lại. Khoảng 22-23 giờ là đi ngủ nhưng dậy sớm. Có khi 4 giờ dậy, đánh máy vi tính sửa bài, giao dịch... Ông tự đánh máy, không phải nhờ ai. Các thao tác như gửi email ảnh và bài cho các báo đều thành thạo. Mở facebook, zalo giao tiếp hằng ngày.
Sung sức với nhiều dự định
Nhờ lối sống khoa học trong cả công việc lẫn cuộc sống mà ông luôn giữ được sức khỏe dồi dào, sự phong độ cần thiết trong sáng tác. Gần đây ông vừa hoàn thành việc ra mắt 2 album âm nhạc mang tên Ngọt ngào hoa trái tập hợp những bài hát văn tiêu biểu của ông sáng tác trong mấy chục năm qua, do Đài Tiếng nói Việt Nam ấn hành.
Không chỉ dừng ở thể loại hát chèo, chầu văn, soạn giả Khúc Hà Linh còn viết thể loại dân ca Bắc Trung Nam và cải lương. Ca từ của Khúc Hà Linh được đánh giá là giản dị mà tinh tế, giàu chất trí tuệ mà dân dã, giàu nhạc điệu mà vẫn đậm hồn thơ chất thơ, đẹp vần, đúng vận mà dễ hát, dễ thuộc...
Một thời gian dài được tiếp xúc, trao đổi thường xuyên với ông, tôi cảm nhận ông không chỉ là một nhà thơ, nhà văn, soạn giả, nhà báo, nhà làm phim mà ông còn là một nhà “bảo tàng học”, nhà sưu tầm. Bởi, có những tư liệu từ cách đây hơn nửa thế kỷ vẫn được ông cất giữ cẩn thận, phẳng phiu, mặc cho gia đình đã có nhiều đợt chuyển nhà.
Có thể nói, ở Khúc Hà Linh luôn lấp lánh những sự miệt mài, sáng tạo không ngừng. Và đồng hành cùng sự sáng tạo tự thân ấy là sự khỏe mạnh nhờ lối sống khoa học.