Theo bệnh nhân kể, bệnh nhân tự mua thuốc cảm cúm tại hiệu thuốc về uống. Do sơ suất, trong khi uống cả liều thuốc, bệnh nhân uống cả viên thuốc còn vỏ cứng được cắt ra từ vỉ thuốc. Ngay sau đó, người bệnh xuất hiện nuốt đau, nuốt nghẹn,nuốt vướng nhiều ở vùng ngực, buồn nôn, không ăn uống được.
Trong quá trình thăm khám, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị dị vật thực quản. Bệnh nhân được soi tai mũi họng không thấy dị vật, được chụp phim Xquang cổ, ngực thấy hình ảnh nghi ngờ dị vật nhưng không cản quang.

Hình ảnh chụp phim Xquang cổ, ngực bệnh nhân. Ảnh: BVCC
Bệnh nhân đau ngực nhiều, không nuốt được nước bọt, buồn nôn nhưng không nôn ra được. Sau khi hội chẩn thống nhất phương pháp điều trị, các bác sĩ khoa Tai Mũi Họng quyết định lấy dị vật cho bệnh nhân theo phương pháp nội soi thực quản ống cứng có gây mê.
Trong quá trình lấy dị vật, khi ống soi đến phần thực quản ngực, bác sĩ quan sát thấy dị vật là viên thuốc còn nguyên vỏ, phần cạnh sắc của viên thuốc cắm và thành thực quản gây chảy máu, xung quanh có nhiều viên thuốc khác đang tai rã. Bác sĩ đã dùng dụng cụ gắp, đưa cạnh sắc của viên thuốc vào trong ống soi sau đó đưa dị vật ra ngoài. Dị vật lấy ra là viên thuốc còn nguyên vỏ kích thước 1,5x 2,5 cm, có 3 cạnh sắc nhọn và 1 cạnh tù. Nhờ sự nỗ lực, tỉ mỉ của kíp kỹ thuật đã lấy thành công dị vật, bảo toàn, không làm tổn thương thêm thực quản. Bệnh nhân hồi phục sức khỏe nhanh, ăn uống trở lại bình thường và xuất viện ngay ngày hôm sau.

Dị vật lấy ra là viên thuốc còn nguyên vỏ kích thước 1,5x 2,5 cm, có 3 cạnh sắc nhọn và 1 cạnh tù ở cổ bệnh nhân.
BS Nội trú Nguyễn Thu Thư – Phó Trưởng khoa Tai mũi họng chia sẻ, dị vật thực quản là những khối rắn chắc, khó tiêu hóa thường bao gồm khối thức ăn, tóc, viên pin, đồng xu ở trẻ nhỏ và thậm chí là thuốc. Dị vật có thể tìm thấy ở bất cứ vị trí nào của đường ống tiêu hóa, có thể gặp ở tất cả các lứa tuổi và thường gặp ở những bệnh nhân có bất thường về cấu trúc và chức năng dạ dày thực quản. Dị vật thực quản thường mắc ở những chỗ có lòng ống hẹp sinh lý hoặc bệnh lý.
Nếu không được xử lý kịp thời có thể gây chảy máu, thủng thực quản, áp xe trung thất...điều trị khó khăn phức tạp và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Người bệnh khi tự mua thuốc tại các hiệu thuốc tư nhân thường được chia liều với nhiều loại thuốc cắt nhỏ nhưng còn nguyên vỏ cứng. Trong quá trình uống thuốc nếu không chú ý, bệnh nhân sẽ uống thuốc mà không bỏ phần vỏ thuốc. Việc này rất nguy hiểm vì viên thuốc cả vỏ cứng sẽ không tan rã, phần cạnh sắc của viên thuốc sẽ cắm vào thành ống tiêu hóa (hay gặp nhất là thực quản) gây ra rách, thủng thực quản. Nguy hiểm hơn nữa nếu vị trí cắm của viên thuốc sát các mạch máu lớn của vùng ngực như động mạch chủ ngực, có thể gây rách thành động mạch.
Nội soi là phương pháp chính trong chẩn đoán và điều trị bệnh, được sử dụng để cắt nhỏ và tháo tắc khối dị vật với các kỹ thuật và dụng cụ khác nhau
Người bệnh khi sử dụng thuốc cần lưu ý loại bỏ hết vỏ cứng sắc của thuốc, tránh cắt nhỏ vỉ thuốc. Trong trường hợp bị hóc dị vật, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được nội soi gắp dị vật.
Xem thêm video đang được quan tâm
Hội chứng ruột kích thích có nguy hiểm không?