Diễn tập "Báo động đỏ liên viện" trong cấp cứu sản khoa tại bệnh viện Quận 11, bệnh viện Từ Dũ và bệnh viện Truyền máu Huyết học vào tháng 8/2016
Theo khuyến cáo này, báo động đỏ nội viện và liên viện là trách nhiệm của lãnh đạo mọi bệnh viện của thành phố trong nỗ lực cứu sống người bệnh trong tình trạng nguy kịch. Theo đó, các bệnh viện cần xây dựng và triển khai hiệu quả quy trình báo động đỏ nội viện và liên viện phù hợp với đặc điểm tình hình bệnh viện và dựa trên hướng dẫn của Sở Y tế. Quy trình báo động đỏ nội viện được xây dựng căn cứ vào mô hình bệnh tật, năng lực chuyên môn kỹ thuật và điều kiện thực tế của từng bệnh viện. Phân định rõ trách nhiệm và nhiệm vụ của từng chuyên khoa, từng cá nhân, phân quyền cho bác sĩ trưởng kíp trực cấp cứu nơi tiếp nhận người bệnh ban đầu được quyền kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện. Quy trình báo động đỏ nội viện phải được phổ biến và tập huấn cho tất cả khoa, phòng trong toàn bệnh viện.
Các tình huống cần ưu tiên vận dụng quy trình báo động đỏ bao gồm: (1) đa chấn thương do tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông,… cần can thiệp hồi sức tích cực và phẫu thuật khẩn cấp của nhiều chuyên khoa; (2) tai biến sản khoa nặng cần can thiệp hồi sức tích cực và phẫu thuật; (3) phát hiện thêm bệnh lý chuyên khoa trong tình trạng nguy kịch ngoài khả năng chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện.
Đối với các bệnh viện chưa đủ điều kiện thực hiện báo động đỏ nội viện, thực hiện đồng thời vừa sơ cấp cứu, vừa chuyển viện, vừa thông báo khẩn cấp tình trạng người bệnh đến bệnh viện sẽ chuyển đến...
Cũng theo khuyến cáo này, các bệnh viện cần tập huấn thường xuyên các tiêu chuẩn và quy trình báo động đỏ nội viện và liên viện cho toàn thể nhân viên bệnh viện; có kế hoạch diễn tập hàng năm quy trình báo động đỏ nội viện, diễn tập quy trình báo động đỏ liên viện .. Củng cố hoạt động tổ cấp cứu ngoại viện sẵn sàng tham gia sơ cấp cứu khi có yêu cầu, khuyến khích các bệnh viện đăng ký tham gia làm điểm cấp cứu 115 vệ tinh thuộc mạng lưới cấp cứu ngoại viện của thành phố. Chủ động liên lạc với Sở Y tế TPHCM để được hỗ trợ kịp thời khi gặp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai quy trình báo động đỏ liên viện…..
Quy trình báo động đỏ cho phép huy động cùng lúc nhiều bác sĩ của các bộ phận liên quan, cùng nhau tập trung cứu chữa một bệnh nhân trong thời gian cực ngắn. Và chỉ trong 5-10 phút, sinh mạng của bệnh nhi có thể sẽ được cứu sống. Những trường hợp nguy cấp, nhập viện trong tình thế thập tử nhất sinh, chảy máu ồ ạt, không đo được mạch và huyết áp… là đối tượng được xếp vào dạng báo động đỏ. Tính tới nay, có nhiều bệnh nhân “thập tử nhất sinh”được cứu nhờ quy trình báo động đỏ này, trong đó có những em bé đã "nổi tiếng", được dư luận quan tâm như: bé Dương Minh Phát - em bé bị dao đâm xuyên trán, bé Nguyễn Quốc Huy - em bé bị văng khỏi bụng mẹ... |