Những ngày gần đây, thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Cần Thơ, có xấp xỉ khoảng 100 người dân đến khám và tư vấn tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu. Hiện tại, vaccine phòng bạch hầu tại CDC Cần Thơ đầy đủ, đáp ứng đủ nhu cầu người dân.
Không chủ quan với tình hình dịch bệnh, nhằm tăng cường phát hiện sớm ca bệnh, cách ly, điều trị đúng, kịp thời và giảm tối đa số ca bệnh tử vong, Sở Y tế TP Cần Thơ đã yêu cầu CDC chủ động giám sát, điều tra, lấy mẫu, gửi mẫu xét nghiệm khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh bạch hầu trên địa bàn.
Phối hợp TTYT quận, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu, kịp thời phát hiện, xử lý triệt để không để dịch bùng phát, lan rộng. Tiếp tục duy trì đội phản ứng nhanh chống dịch, bảo đảm sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh xảy ra.
Tăng cường rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh bạch hầu, giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh tại ổ dịch và tại cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm xác định kịp thời trường hợp mắc bệnh, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả trường hợp tiếp xúc gần theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu ở tất cả các xã, phường và tổ chức tiêm bổ sung, tiêm vét, nhất là tại các địa bàn có lưu hành bệnh bạch hầu và có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Rà soát, đảm bảo công tác hậu cần về vaccine, thuốc kháng sinh điều trị dự phòng, huyết thanh kháng độc tố, hóa chất… để triển khai các nhiệm vụ chống dịch. Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế dự phòng, cán bộ làm công tác điều trị về các nội dung hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch bệnh, chẩn đoán, điều trị, cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn và tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Tất cả cơ sở khám, chữa bệnh công lập và ngoài công lập tăng cường giám sát, phát hiện sớm và thực hiện báo cáo trường hợp nghi bạch hầu, mắc bạch hầu. Rà soát quy trình, trang thiết bị, thuốc, vật tư theo hướng dẫn để tổ chức thực hiện việc khám sàng lọc, cách ly, thu dung, điều trị người bệnh bạch hầu theo quy định, hạn chế tới mức thấp nhất tỉ lệ tử vong; Bảo đảm công tác phòng lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh.
Khi phát hiện các ca bệnh lâm sàng nghi ngờ nghĩ tới bạch hầu, các cơ sở y tế cần ưu tiên lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu. Triển khai thực hiện ngay việc lấy mẫu làm xét nghiệm nhuộm soi tìm vi khuẩn sớm để định hướng điều trị. Thực hiện điều tra ca bệnh theo phiếu điều tra, lập danh sách ca bệnh, lấy gửi mẫu bệnh phẩm, báo cáo đảm bảo đúng quy định, đủ số lượng, đủ thông tin.
Đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị bệnh nhân, thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.
Thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế việc chuyển bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên khi không cần thiết.
Chủ động phòng bệnh bạch hầu, CDC Cần Thơ khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp: Đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch; Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch.
Che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi. Súc miệng mũi họng hằng ngày. Vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Phát hiện, cách ly và đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.