“Sợ” vắc xin phòng dại gây hại!
Em Nguyễn Văn Mạnh, 16 tuổi ở Thuận Thành, Bắc Ninh đã rất may mắn thoát khỏi ám ảnh bệnh dại khi đã vượt qua sự sợ hãi về quan niệm vắc xin phòng dại gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thần kinh. Mạnh cho biết, trên đường đi học về, em bị con chó nhà dân xông ra cắn vào chân. Mạnh về kể lại cho bố mẹ nghe tình hình, bố em bắt đi tiêm phòng ngay, nhưng mẹ và bà can ngăn vì cho rằng, vắc xin phòng bệnh dại rất hại cho sức khỏe đặc biệt là hệ thần kinh, trong khi em đang là tuổi ăn tuổi học nếu tiêm phòng dại lỡ chẳng may ảnh hưởng đến thần kinh, sức khỏe thì coi như em “không còn tương lai”.
Bà và mẹ Mạnh nhất quyết đề nghị phương án “theo dõi” con chó đó, nếu nó làm sao lúc đó tiêm cũng chưa muộn. Tuy nhiên, bố Mạnh vẫn quyết và đưa con đến TTYT dự phòng huyện để tiêm phòng ngay trong buổi chiều hôm ấy. Rất may sau khi tiêm phòng được vài tuần thì chủ nhà báo là con chó đó đã “bỏ nhà ra đi”.
Vì sao bà và mẹ Mạnh lại quá lo sợ việc tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại ảnh hưởng đến thần kinh và sức khỏe đến như vậy? Lý giải về điều này, TS. BS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Miền Bắc cho biết, quan niệm của mẹ và bà Mạnh không phải là không có cơ sở nhưng đó là với vắc xin thế hệ cũ và đã ngừng sử dụng cách đây hàng chục năm.
Ts. Thái cũng cho biết thêm, trước đây các vắc xin sử dụng tiêm phòng dại là vắc xin thế hệ cũ được sản xuất từ não chuột nên độ tinh khiết không cao và tồn dư các tế bào từ não chuột làm tỷ lệ phản ứng bất thường cao trong đó ghi nhận các phản ứng bất lợi như sốc phản vệ, ảnh hưởng đến thần kinh…
Do đó, khi bị chó mèo cắn, WHO khuyến cáo cần phải theo dõi con vật nếu nó có biểu hiện dại thì mới bắt buộc phải tiêm phòng vì họ cân nhắc giữa mặt lợi và hại của việc tiêm phòng dại.
Vắc xin phòng dại thế hệ mới không có tác dụng phụ lên hệ thần kinh như vắc xin cũ
Tuy nhiên hiện nay với sự phát triển của khoa học công nghệ, vắc xin phòng dại thế hệ mới được chiết xuất từ tế bào thận khỉ hoặc tế bào lưỡng bội người hoặc tế bào vero tinh khiết đồng thời vi rút dại đã được bất hoạt với quy trình sản xuất chặt chẽ, chất lượng vắc xin tốt hơn không có những tác dụng phụ lên hệ thần kinh như vắc xin cũ. Do đó mọi người hoàn toàn yên tâm và không phải lo lắng về tác dụng phụ của vắc xin như mọi người đã quan niệm trước đây.
Cũng theo TS. Thái, việc tiêm vắc xin phòng dại chính là cuộc chạy đua giữa vắc xin và vi rút do đó, để tránh tai biến do chó cắn tốt nhất khi bị chó cắn người dân nên đi tiêm phòng ngay không phải chờ theo dõi con chó và không phải lo ngại ảnh hưởng vắc xin đến hệ thần kinh như trước. Đặc biệt là vị trí cắn ở chỗ nguy hiểm gần thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ…việc tiêm phòng cần được thực hiện càng sớm càng tốt ngay sau khi bị chó, mèo cắn.
“Đặc biệt với những người hay đi du lịch hay thường xuyên phải đi công tác vào các bản làng vùng sâu thì càng nên tiêm phòng trước ngay cả khi chưa bị chó mèo cắn bởi khi bị cắn đến khi tiếp cận được với vắc xin cũng phải mất thời gian di chuyển”. TS. Thái khuyến cáo.
Bệnh dại khi lên cơn thì không thể chữa được
BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương là nơi thường xuyên các bác sĩ tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân lên cơn dại. BS. Nguyễn Trung Cấp - khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, anh và các đồng nghiệp rất bị ám ảnh bởi những cái chết của bệnh nhân lên cơn dại. Điều đau xót nhất, đáng tiếc nhất, đó là bệnh dại khi đã lên cơn thì không thể chữa được. Bệnh nhân biết mình sẽ chết, bác sĩ, người nhà đều đau lòng bởi thấy chết mà không thể cứu được. Chỉ mong quay ngược lại thời gian, họ đi tiêm phòng. Bởi, nếu bị chó nguy cơ dại cắn, người bệnh đi tiêm phòng vắc xin ngay, đủ mũi, thì tỉ lệ bảo vệ gần như 100%. Sau đó con chó có chết vì bệnh dại, bệnh nhân đã được tiêm phòng cũng không phát bệnh.
Cũng theo BS. Cấp, bệnh dại có một đặc thù là ủ bệnh, phát hiện rất muộn. Thời gian ủ bệnh sau khi bị cắn thường vài tuần, có thể lâu hơn vài tháng thậm chí hàng năm tùy thuộc vào số lượng và mức độ tổn thương và vị trí của vết cắn có gần thần kinh trung ương hay không. Vì thế, có người bệnh khởi phát dại khi vết thương đã liền da, không còn dấu vết gì của chó cắn, thậm chí người ta đã quên mất việc bị chó cắn.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, khi bị chó cắn cần rửa ngay vết thương với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Sau đó vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn iod và đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm phòng vắc-xin và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt.
Đặc biệt, cần tiêm phòng dại cho chó, mèo đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của các bác sĩ hoặc cán bộ thú y; không bán hoặc tiêu thụ thịt chó, mèo… bị ốm hoặc nghi ngờ dại vì có thể làm cho bệnh dịch lây lan, người dân cũng cần nhốt hoặc theo dõi chó, mèo trong vòng 1 tuần nếu có biểu hiện bất thường hoặc ốm, chết thì phải đi tiêm phòng ngay.