“Số tiền tối thiểu để đầu tư cho Asiad 18 phải đến 400 triệu USD”

24-03-2014 09:27 | Thời sự
google news

Không chỉ lo lắng với kế hoạch tổ chức Asiad 18 của Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Minh cũng rất lo lắng khâu quản lý, sử dụng các cơ sở vật chất sau khi Asiad kết thúc.

Không chỉ lo lắng với kế hoạch tổ chức Asiad 18 của Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Minh cũng rất lo lắng khâu quản lý, sử dụng các cơ sở vật chất sau khi Asiad kết thúc.

Ông từng không ủng hộ việc Việt Nam đứng ra đăng cai Asiad 18?

Tôi xin đặt câu hỏi thế này, có ai trả lời được trong 7 năm nữa, kinh tế sẽ như thế nào không? Nếu đi lên thì là tốt, nhưng nếu tiếp tục trì trệ thì cũng nguy đấy. Lúc đó, việc tổ chứ một Đai hội thể thao lớn nhất châu lục, lại trở thành gánh nặng.

Nhưng dù sao chúng ta cũng đã ngồi trên lưng hổ rồi?

Chúng ta buộc phải thực hiện đúng cam kết với OCA là sẽ tổ chức thành công Đại hội. Tuy nhiên tất cả vẫn ở phía trước, chưa thể nói được điều gì lúc này.

Ông Nguyễn Hồng Minh âu lo về những vấn đề hậu Asiad 18
Ông Nguyễn Hồng Minh âu lo về những vấn đề hậu Asiad 18

Điều gì khiến ông lo lắng nhất về kế hoạch chuẩn bị của Việt Nam cho Asiad 18?

Đầu tiên là vấn đề kinh phí. Tôi cho rằng số tiền mà chúng ta dự kiến tổ chức là 150 triệu USD mới chỉ đủ xây mới một số công trình và nâng cấp, sửa chữa các địa điểm tập luyện, thi đấu. Những nước từng đăng cai tổ chức Asiad đều phải bỏ ra gấp 5-10 lần so với dự kiến ban đầu, nên chúng ta khó có thể chi đúng số tiền đã tính toán. Theo dự đoán của tôi, số tiền tối thiểu cũng phải khoảng 400 triệu USD mới đủ.

Vấn đề lo lắng tiếp theo chính là những dự báo về nền kinh tế khó khăn phía trước. Chính phủ gặp khó khăn trong việc chống tham nhũng, lạm phát. Như vậy, cùng lúc phải phục hồi nền kinh tế, nhưng lại đầu tư lớn cho Đại hội là một bài toán khó.

Cá nhân ông có tìm hiểu kỹ về vấn đề kinh phí của các nước tổ chức Asiad trước đây?

Lần tổ chức Olympic ở Hy Lạp năm 2004 đã trở thành gánh nặng và trở thành một trong những nguyên nhân khiến quốc gia này những năm sau đó bị vỡ nợ. Trung Quốc lên kế hoạch tổ chức Olympic Bắc Kinh 2008 khoảng 22 tỷ USD, nhưng thực tế lại gấp đôi con số này. Còn Asiad các nước cũng đều phải bỏ ra số tiền gấp 5-10 lần so với dự kiến ban đầu.

Theo tôi, chúng ta cần phải có những cái nhìn thực tế, nhìn trước được mọi khó khăn rồi mới bắt tay vào làm. Cá nhân tôi cũng cho rằng các quan chức thể thao Việt Nam nên tính thật kỹ lưỡng trong việc nhìn nhận vấn đề.

Theo ông thời gian còn lại có đủ để chúng ta chuẩn bị?

5 năm để tổ chức một sự kiện lớn như Asiad là rất nhanh, bởi trước kia chúng ta chuẩn bị cho SEA Games cũng mất 10 năm rồi. Tôi được biết đến thời điểm này mọi thứ vẫn còn rất ngổn ngang. Mới đây các đại biểu Quốc hội mới chất vấn Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL Hoàng Tuấn Anh về vấn đề Asiad và nhiều câu hỏi cho thấy chúng ta có quá nhiều thứ phải lo.

Ngoài việc chuẩn bị về cơ sở vật chất, thì lực lượng tham dự, lực lượng điều hành là rất quan trọng của mỗi nước chủ nhà, thưa ông?

Tôi cho rằng ngay từ thời điểm này, ngành thể thao phải xin Chính phủ một chương trình đào tạo VĐV nếu không sẽ không kịp. Nên nhớ tại SEA Games 22, chúng ta cũng phải chuẩn bị VĐV mất gần 10 năm. Những thế hệ VĐV như hiện tại, tôi đánh giá sẽ khó có thể đủ sức tranh tài tại Asiad 7 năm tới.

Ngoài ra, lực lượng điều hành cũng là khâu cực kỳ quan trọng. Chúng ta đã trải qua SEA Games và AIG 3, nhưng đó là 2 sự kiện thể thao có quy mô vừa phải. Trong khi đó với Asiad, sẽ phải có lực lượng điều hành lên tới hàng chục nghìn người. Nhìn vào thực tế hiện tại thì đa số các Liên đoàn, đều không có kinh nghiệm trong tổ chức.

Còn mục tiêu giành 10-15 HCV để lọt vào tốp 10 Asiad, theo ông có thực tế?

Ở thời điểm này chúng ta chưa thể xác định chắc chắn những VĐV của Việt Nam sẽ giành HCV hay huy chương. Nhìn các kỳ Olympic gần đây, TTVN đều trắng tay, còn Asiad gần nhất, cũng chỉ có duy nhất 1 HCV.

Vấn đề hậu Asiad cũng thực sự khiến ông lo ngại?

Đúng vậy. Chúng ta chỉ xây mới những công trình mang tính bắt buộc, với quy mô, mức độ phù hợp và dứt khoát phải kèm theo phương án hậu Asiad. Việc bảo quản, sử dụng, khai thác các công trình thể thao cũng là vấn đề rất đáng quan tâm. Tôi lấy ví dụ đơn giản như nhà thi đấu đua xe đạp lòng chảo, chúng ta thậm chí còn chưa có VĐV môn này, thì liệu có nhiều người dân tập luyện?

Xin cảm ơn ông!

 

 


Ý kiến của bạn