Hà Nội

Sổ tay văn hóa: Một bài báo của Tạ Quang Bửu

03-08-2014 05:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Nguyễn Triệu Luật ca ngợi bài của Tạ Quang Bửu nhưng lại trách ông sao không viết bằng tiếng Việt để quảng bá cái hay cho đông đảo người Việt.

Trong khi dọn tủ sách, tôi bỗng bắt gặp một cuốn tạp chí Tao Đàn ra cách đây bảy chục năm, vào năm 1939 thời Pháp thuộc, trong đó có một bài khiến tôi nhớ lại không khí văn hóa - chính trị thập niên 1930 - 1940 trước Cách mạng tháng Tám 1945.

Đó là bài Nhân đọc một bài ở tập Responsable của tác giả Nguyễn Triệu Luật - theo Nguyễn Tuân đánh giá, ông là nhà viết tiểu thuyết lịch sử xuất sắc nhất thời Pháp thuộc. Còn tập Responsable là tập san tiếng Pháp của một nhóm trí thức dạy các trường Trung học ở Huế lập ra năm 1936 (Tạ Quang Bửu, Nguyễn Thúc Hào, Đào Đăng Vỹ, Đào Duy Anh...). Họ tự đặt cho mình có trách nhiệm hướng dẫn thanh niên lặng lẽ phục vụ Tổ quốc để đợi thời cơ bằng cách hoạt động xã hội, thể thao (khỏe vì nước), tổ chức các lễ hội yêu nước (Hai Bà Trưng, Quang Trung) - kết hợp với phong trào Hướng đạo sinh.

Bài Nguyễn Triệu Luật đề cập đến là bài Khoa học với văn hóa (Tập san Responsable tập 2) của tác giả Tạ Quang Bửu. Ông Bửu lúc đó dạy tiếng Anh ở Trường Công giáo Providence, đã nổi tiếng về nhiều mặt: giỏi về nhiều ngành khoa học sau khi du học ở Pháp về - giải Quán quân bơi ở Luân Đôn, lãnh đạo phong trào Hướng đạo sinh yêu nước.

Nguyễn Triệu Luật ca ngợi bài của Tạ Quang Bửu nhưng lại trách ông sao không viết bằng tiếng Việt để quảng bá cái hay cho đông đảo người Việt.

Ông Luật phân trần ở đầu bài Nhân đọc một bài ở tập Responsable của mình: “Chúng tôi có một thái độ cố chấp: không chịu đọc những bài bằng Pháp văn của người nước ta viết... vì ý tứ rỗng tuếch, chỉ dùng các từ, dùng chữ ngoại quốc để che đậy”. Ý của ông Luật phù hợp với một ý của ông Bửu trong bài Khoa học với văn hóa: Ông Bửu phê phán cái lối học “tiếng Tây” để ra làm quan huyện, quan phủ, quan đốc, quan tham và để đề cao văn chương hào nhoáng, vô bổ, coi thường khoa học.

Ông Luật cũng có ngoại lệ: Tuy ghét bài tiếng Pháp của người Việt viết, ông lại đề cao bài của ông Bửu “có tư tưởng sáng sủa, đặc sắc”. Và ông quyết định: “Không muốn bỏ lỡ những tư tưởng sáng suốt ấy”. Chúng tôi lược dịch bài của Tạ Quang Bửu để độc giả thấy rõ nhân cách và tư tưởng một người xứng đáng với hai chữ “tân học”. Một tác giả có danh mà chịu dịch văn một người khác chỉ vì lợi ích chung quả cũng là có nhân cách cao đẹp.

Giáo sư Tạ Quang Bửu
Giáo sư Tạ Quang Bửu

Dưới đây là trích vài đoạn trong bài của Tạ Quang Bửu do Nguyễn Triệu Luật dịch từ Pháp văn: “... Vậy thì Khoa học cũng như hết thảy các sự tập luyện khác của lý trí, không gói ghém Văn hóa đâu mà là một phần của Văn hóa. Khoa học chỉ là một lợi khí của Văn hóa. Lợi khí ấy giá trị thế nào? Dư luận thông thường gán cho nó vạn năng. Trong những bài diễn văn có kiềm ấn của Quốc gia chính phủ, người ta cũng gọi điện là Điện khí tiên nương (la Fée Electrique). Tôi cũng chịu rằng cái lợi khí ấy, cái lợi khí vật chất mà châu Âu và cả nhân loại chúi đầu chạy theo, ta cũng không thể bỏ qua được.

Nhưng mà dùng thì dùng ra làm sao chứ!

Ở ta nó được hiểu, được dùng ra làm sao?

Ở xã hội ta, ở mỗi bậc nó được hiểu và được dùng ra một lối riêng.

Ở bậc học trò, ở nhà trường, Khoa học là phần của những học trò tồi. Những học trò bao giờ cũng bị loại về những bài luận Pháp văn, những học trò vụng dại mà những Nàng Thơ, Nàng Nghệ thuật Âu Mỹ hắt ra không nhận, những học trò ấy mới học Sciences (Khoa học). Đó là một điều ngộ nhận gốc nguồn cho hết thảy cái điều ngộ nhận. Vì sao? Vì một lẽ là: vụng dùng một thứ chữ ngoại quốc không bao giờ là một chứng cớ ngu độn hoặc không có khiếu văn; hai nữa, những đứa vô học chỉ lập lòe bóng bẩy ở món “littérature”.

Ở bậc trưởng giả, những ông quan, ông phán, những ông thánh non trụy lạc mà vẫn nhớ mình đã là ông tú thì Khoa học và những món học rắc rối về khoa học thật nghiệm, những bài dissertation philosophique (triết học biện luận) để nói lăng nhăng đến những chữ Tận Mỹ, Tận Thiện, Chân Lý, Thật Nghiệm Triết học, Tự sinh, Sinh Vật, Nọc chó dại... tóm lại một vài thành pháp mơ hồ thu lượm được khi đọc những cuốn sách trong bộ Khoa học Triết học (Philosophie scientifique). Có thế thôi! Nhiều nhặn gì đâu! Ở một bậc cao hơn, tôi nói cao là cao vì cái lẽ theo gió bẻ buồm, cái lẽ tùy thì ở bậc các ngài Cao đẳng học, kỹ sư thì khoa học chỉ có ở một thì đã qua của các ngài thôi, cái thì chơi bời, dong túng ở hộ Latin. Thì niên thiếu qua là Khoa học đi đường Khoa học.

Hiểu như thế thì có bao giờ Khoa học đưa ta đến Văn hóa. Như thế thì Khoa học chỉ là một cách để ta ngày thêm bại hoại vì như thế, ta chỉ bỏ những cái mê tín cũ từ Trung Quốc đưa sang, đem những cái mê tín từ Âu Mỹ đưa lại thế vào, cái mê tín mới lại phủ ngoài một màu rực rỡ Tây phương. Cái đó ta không cần xét nét nữa, cứ nhận là cao quý đi, vì nó của người đã chỉnh lược ta. Trong cái tình trạng chính trị văn hóa của xứ Đông Dương ta, cái Khoa học ấy cũng nuôi sống người lắm vì đã là mê tín thì có lời to. Theo cái quan điểm ấy thì một người kỹ sư hóa học chỉ theo lệnh ông chủ mà phân chất hóa học để kiếm gạo với một ông lang ta xưa kia nói rằng chỉ thổi vào rốn là chữa khỏi bệnh thoát dang, hai người ấy, tôi coi như nhau. Có hiệu quả chăng, chỉ là hú họa, cả hai người đều dùng những thành pháp sẵn sàng cả, chỉ có cái ảo thuật đổi tên đi mà thôi.

Hiện giờ, khoa học ở ta chỉ có thể hạ giá cùng các viên Tri huyện, rồi làm chật những phòng giấy, xưởng thợ và học đường! Khoa học kiếm những điều kiện êm ấm tiện lợi cho các ngài giáo sư, kỹ sư và biết bao ngài tai mắt trong xã hội ta. Tai điếc mắt lòa, tai lừa mắt lươn, các người có thấu chăng nỗi trầm luân của một văn hóa đương thối nát?”.

Chúng tôi tiếc rằng không thể dịch được hết vì từ đoạn dưới trở xuống, lời nghị luận của Tạ quân có vẻ khoa học quá. Chúng tôi lấy làm thú vị nhất ở chỗ Tạ quân chứng minh rằng một tư tưởng có thể diễn theo 3 lối khoa học, triết học và thi vị, vì thế, khoa học không toàn nhiên là duy lượng và cũng có thể duy phẩm. Thí dụ muốn phô diễn cái tư tưởng sau này, người ta có thể diễn theo 3 lối:

Diễn lối khoa học: IT là nhân số toàn phẩm của cực vi lượng DQ (IT est facteur intégrant de la différentielle DQ).

Diễn lối triết học: Một hệ thống cô đơn không qua hai lần một trạng thái (Un système isolé ne passe jamais deux fois par le même état - Jean Perrin).

Diễn theo lối thi nhân: Còn bao giờ ta có lại được tấm lòng chiều nay (Nous n’aurons plus jamais notre âme de ce soir – Bá tước phu nhân de Noailles).

Thi nhân Trung Quốc đã có một câu tư tưởng gần như thế.

Nhắn rằng gió nọ sáng kia, ngày ngày tháng tháng xa lìa ta ngay (Đỗ Phủ)

Và Khổng phu tử cũng từng nói rằng: Kẻ đi như dòng nước này ngày đêm xuôi đi mãi (Khổng Khưu).

Hữu Ngọc


Ý kiến của bạn