Số phận văn hóa xứ Đoài sẽ ra sao?

15-05-2008 11:52 | Văn hóa – Giải trí
google news

Trước việc toàn bộ tỉnh Hà Tây sẽ sáp nhập vào Hà Nội, không chỉ có những người yêu văn hóa Tràng An lo lắng cho một sự pha tạp văn hóa trong tương lai. Những người yêu văn hóa xứ Đoài cũng có nỗi lo ngược lại - lo quá trình đô thị hóa sẽ làm mất đi vẻ đẹp bao đời của Hà Tây quê lụa.

Quý Thảo

Trước việc toàn bộ tỉnh Hà Tây sẽ sáp nhập vào Hà Nội, không chỉ có những người yêu văn hóa Tràng An lo lắng cho một sự pha tạp văn hóa trong tương lai. Những người yêu văn hóa xứ Đoài cũng có nỗi lo ngược lại - lo quá trình đô thị hóa sẽ làm mất đi vẻ đẹp bao đời của Hà Tây quê lụa.

 Suối Yến - chùa Hương.

Văn hóa xứ Đoài đã sống trong tâm thức nhiều thế hệ với bao nhiêu ấn tượng và ký ức độc đáo không thể lẫn vào đâu được. Núi Tản sông Đà với thần Tản Viên đứng đầu Tứ bất tử của Việt Nam, gắn liền với huyền tích Lạc Long Quân - Âu Cơ sinh ra người Việt; đất trăm nghề với những địa danh nổi tiếng: lụa Vạn Phúc, the lĩnh La Khê, tiện gỗ Nhị Khê, nề mộc làng Chàng; đất của những dân ca nghi lễ như hát Rô và hát chèo Tàu; đất của những đình đền chùa chiền nổi tiếng như chùa Đậu, chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Hương. Những bài thơ nổi tiếng như Đôi mắt người Sơn Tây, Áo lụa Hà Đông không chỉ là những bài thơ hay, mà còn là những ấn tượng về văn hóa xứ Đoài in sâu trong tâm khảm bao người Việt. Bộ phim Áo lụa Hà Đông của đạo diễn Lưu Huỳnh được gợi hứng từ bài thơ cùng tên đã đưa văn hóa xứ Đoài đi khắp thế giới, trở thành một trong những hình tượng tượng trưng cho văn hóa Việt Nam. Vì thế, trước viễn cảnh Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, không ít người lo lắng cho tương lai của văn hóa xứ Đoài. Liệu quá trình đô thị hóa xô bồ với cơn sốt nhà cao tầng và thẩm mỹ kiến trúc hỗn tạp, với lối sống thương trường thực dụng và lai căng, liệu những nét thi vị của cảnh quan thiên nhiên truyền thống cùng những nét đẹp của văn hóa đồng quê làm nên những sắc thái văn hóa độc đáo của xứ Đoài có bị mất đi không?

Mở rộng Hà Nội sang toàn bộ địa giới Hà Tây cũng đồng nghĩa với việc xây dựng hàng loạt các khu đô thị và siêu đô thị trên đất của văn hóa xứ Đoài. Nếu cái thi vị mênh mang mờ ảo pha trộn giữa thiên nhiên và huyền tích của núi Tản sông Đà, chùa Hương bị thay thế bởi những khối bê tông chen chúc lộn xộn, những quán karaoke lập lòe ầm ĩ, những sàn nhảy nhốn nháo sôi động thì quả nhiên văn hóa xứ Đoài thật khó có thể sống còn và phát triển. Nỗi lo về sự biến mất của các nền văn hóa bản địa trước những đợt sóng thần đô thị hóa là một nỗi lo âu phổ biến toàn nhân loại. Việc toàn bộ Hà Tây trở thành Hà Nội đáng lo ngại hơn cho văn hóa truyền thống của xứ Đoài vì việc trở thành đất Thủ đô đồng nghĩa với việc tăng gấp bội quy mô và tốc độ của đô thị hóa. Một trong những động lực của việc mở rộng địa giới hành chính của Hà Nội là để giãn dân, tổ chức lại quá trình đô thị hóa nhằm bảo vệ các không gian văn hóa truyền thống của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Có nghĩa là chúng ta mở rộng Thủ đô không chỉ vì mục đích kinh tế, hành chính, mà còn vì mục đích văn hóa. Mở rộng Hà Nội sang Hà Tây không có nghĩa là các công trình xây dựng mới sẽ tùy tiện mọc lên ở mọi nơi phá hoại những cảnh quan văn hóa. Chính sách văn hóa cho Hà Tây khi trở thành Hà Nội sẽ phải bao gồm cả chính sách bảo tồn các làng cổ, làng nghề như đang bảo tồn phố cổ hiện nay. Việc bảo tồn đó sẽ gắn liền với việc nâng cấp trùng tu các cơ sở vật chất và mở rộng du lịch một cách có hệ thống.

Nếu văn hóa xứ Đoài có thể trụ lại trước cơn bão đô thị hóa, thì nó có thể bị biến dạng đi hay bị văn hóa Tràng An “nuốt chửng” và đồng hóa hay không? Câu trả lời là “không”, vì văn hóa Tràng An và văn hóa xứ Đoài có cùng một gốc văn hóa tâm linh đậm tinh thần Phật giáo. Nếu Thăng Long từ khởi nguồn là một kinh đô Phật giáo và trải qua các triều đại tinh thần Phật giáo vẫn luôn luôn hiện diện trong kiến trúc, trong suy nghĩ và ứng xử, thì Hà Tây cũng là đất Phật, đứng đầu về số lượng các chùa lớn trong cả nước. Trong 10 kỷ lục Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam thì Hà Tây chiếm hai kỷ lục: chùa Sùng Nghiêm (thị xã Sơn Tây) là nơi lưu giữ nhiều tượng nghệ thuật nhất Việt Nam, quả chuông xưa nhất Việt Nam là chuông Thanh Mai hiện đang được lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh Hà Tây. Chính nền tảng văn hóa Phật giáo đó sẽ là cơ cở chung của văn hóa xứ Đoài và văn hóa Thăng Long...

Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc thì văn hóa Thăng Long - Hà Nội xưa được xây dựng bởi 4 tiểu vùng văn hóa Kinh Bắc, xứ Đoài, xứ Đông, Lĩnh Nam. Bốn vùng văn hóa đó đã hoà trộn với đặc trưng văn hóa của kinh thành đế đô hun đúc nên bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Nghĩa là văn hóa xứ Đoài cũng đã là một thành tố của văn hóa Thăng Long. Chính những người thợ của đất trăm nghề đã mang các làng nghề của mình ra đất Thăng Long tham góp vào xây dựng văn hóa kẻ chợ từ ngàn xưa. Thợ mộc làng Chàng đã dựng chùa Tây Phương và tạc tượng La Hán, lại được triều đình tin cậy mời ra Thăng Long làm Văn Miếu Quốc Tử Giám. Các danh nhân văn hóa lớn của Hà Tây như Nguyễn Trãi, Phùng Khắc Khoan, Ngô Thì Nhậm... là những người có công góp phần xây dựng văn hóa Thăng Long. Đó là những cơ sở lịch sử văn hóa để chúng ta yên tâm tin tưởng vào sự tồn tại và phát triển của văn hóa xứ Đoài trong Hà Nội tương lai.


Ý kiến của bạn