Hà Nội

“Số phận” Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 và nguy cơ một cuộc chiến mới

06-05-2018 10:52 | Quốc tế
google news

SKĐS - Trong bối cảnh chỉ còn 6 ngày nữa sẽ đến thời hạn chót Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra câu trả lời chính thức có rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 hay không, vấn đề hạt nhân Iran đã đột ngột “nóng” lên trong tuần qua.

Thủ tướng Israel bất ngờ cáo buộc Iran sở hữu chương trình vũ khí hạt nhân bí mật và phê chuẩn luật cho phép giới lãnh đạo cấp cao được quyền tuyên bố chiến tranh. Những động thái liên tiếp của cả Iran và Israel khiến dư luận đặc biệt lo ngại.

Sau những tuyên bố “úp mở” về khả năng rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến dư luận lo ngại, việc Thủ tướng Israel Netayahu cung cấp các bằng chứng cáo buộc Iran bí mật sản xuất vũ khí hạt nhân càng khiến dư luận nghĩ tới một kịch bản tồi tệ hơn. Đó là Thỏa thuận hạt nhân Iran có thể sụp đổ và một cuộc chiến mới nhân danh “lọai bỏ vũ khí hạt nhân” lại có thể xảy ra ở Trung Đông.

Trong cáo buộc của mình, Thủ tướng Israel đã nói rõ Israel hiện nắm giữ khoảng 500kg tài liệu mật, trong đó có 55.000 trang tài liệu chứng minh Iran đang chế tạo và thử nghiệm đầu đạn hạt nhân. Tất nhiên phía Iran đã bác bỏ, nhưng việc Quốc hội Israel vừa phê chuẩn điều luật cho phép giới lãnh đạo cấp cao được quyền tuyên bố chiến tranh, khiến dư luận phải đặt câu hỏi: Vì sao Israel lại cáo buộc Iran ở thời điểm này? Và liệu Israel có tấn công phủ đầu Iran với cớ ngăn chặn vũ khí hạt nhân của quốc gia Hồi giáo này không?

“Số phận” Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 và nguy cơ một cuộc chiến mớiNgười dân Iran xuống đường biểu tỉnh phản đối việc TT Mỹ có thể rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.

 

Trên thực tế, một cuộc tấn công như vậy khó xảy ra bởi thứ nhất, tình hình Trung Đông đang hết sức căng thẳng khi cùng lúc chìm trong nhiều cuộc xung đột, do vậy, không bên nào mạo hiểm phát động chiến tranh. Thứ hai, bản thân Israel  dù đe dọa tấn công Iran, nhưng cũng không muốn sa lầy vào những nguy cơ mới khi đang phải đối mặt với sức ép từ bên ngoài sau khi Mỹ tuyên bố sẽ chuyển đại sứ quán về Thủ đô Jerusalem (Israel).

Vậy, mục đích thực sự của Israel là gì? Khi chỉ còn 1 tuần nữa Tổng thống Mỹ sẽ đưa ra câu trả lời chính thức có rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran hay không, giới phân tích cho rằng động thái của Israel nhắm tới mục tiêu “khuyến khích các nỗ lực của Mỹ phá bỏ thỏa thuận này”.

Vì vậy, dư luận đang “nín thở” chờ xem Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đưa ra quyết định như thế nào đối với Thỏa thuận hạt nhân Iran. Bởi kịch bản nào cũng sẽ tác động tới số phận của bản Thỏa thuận cũng như tương lai khu vực, thậm chí là một nguy cơ bất ổn mới.

Một cố vấn cấp cao của Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei tuyên bố nước này sẽ không duy trì thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc thế giới nếu Mỹ quyết định từ bỏ thỏa thuận này.

Trang web của kênh truyền hình quốc gia dẫn lời Cố vấn chính sách đối ngoại Ali Akbar Velayati nêu rõ nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với nhóm P5 1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Mỹ cùng với Đức) vào năm 2015 - hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), Tehran cũng sẽ không tham gia thỏa thuận này nữa.  Tổng thư ký Liên Hợp Quốc mới đây cảnh báo rằng nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran thì đó sẽ là nguy cơ chiến tranh thực sự. Bởi nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân 2015, điều này sẽ buộc Iran rút khỏi Hiệp ước Chống phổ biến vũ khí hạt nhân và làm giàu uraium trở lại. Kịch bản này sẽ đánh dấu điều tồi tệ nhất trong lịch sử quan hệ Mỹ - Iran và dự báo về 1 cuộc xung đột tiềm tàng tàn phá Trung Đông.

Hiện chưa rõ những động thái từ phía Israel sẽ tác động ra sao tới quyết định của Tổng thống Mỹ ngày 12/05 tới, song một điều chắc chắn: mối quan hệ Israel - Iran sẽ leo thang lên nấc thang căng thẳng mới, đồng thời tác động đến chiến trường Syria - nơi mà Iran là bên ủng hộ Chính phủ của Tổng thống Syria Ba-sa Al Assad.

 

 


H.Điệp
Ý kiến của bạn