Hà Nội

Số phận mong manh của Thỏa thuận hạt nhân Iran

09-05-2019 11:49 | Quốc tế
google news

SKĐS - Căng thẳng giữa Mỹ và Iran ngày càng dâng cao đe dọa sự tồn tại của Thỏa thuận hạt nhân. Mới đây Iran đã đi một “nước cờ hiểm” khi ngày 8/5 tuyên bố sẽ đình chỉ thực hiện một số cam kết tự nguyện trong Thỏa thuận hạt nhân Iran hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) ký giữa Iran với nhóm P5+1 hồi năm 2015.

Iran có khả năng tăng tốc đạt ngưỡng sản xuất vũ khí hạt nhân

Tròn 1 năm sau ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran  cũng là lúc quốc gia Hồi giáo này không còn đủ kiên nhẫn, bắt đầu các hành động đáp trả. Ngày 8/5, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết, sau 60 ngày, Iran sẽ "thu hẹp" việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, cụ thể là sẽ tăng mức độ làm giàu urani vượt mức 3,67% cho phép hiện nay. Mặc dù Tổng thống Iran không cho biết sẽ tăng lên mức bao nhiêu nhưng ông Rouhani khẳng định Iran có thể đạt mức làm giàu 20% chỉ trong 4 ngày. Theo các nhà phân tích, một quốc gia đạt ngưỡng 20% làm giàu urani trong thời gian ngắn như vậy, để đạt ngưỡng 90% - cấp độ sản xuất vũ khí hạt nhân-  sẽ không mất nhiều thời gian.

Đi kèm với tuyên bố gây “căng thẳng” này, người đứng đầu Iran cảnh báo sẽ đáp trả nếu vấn đề hạt nhân một lần nữa được đưa ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an LHQ  nhưng Iran vẫn sẵn sàng đàm phán về chương trình hạt nhân của mình.  Iran sẽ không tiếp tục bán urani đã được làm giàu và nước nặng cho các quốc gia khác.

Iran tăng cường làm giàu urani đe dọa an ninh khu vực và thế giới

Trong tuyên bố của mình, ông Rouhani khẳng định, các nước còn lại tham gia JCPOA, gồm  Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga, có 60 ngày để thực hiện cam kết  nhằm bảo vệ ngành dầu mỏ và ngân hàng của Iran trước tác động từ các biện pháp trừng phạt của Washington nhằm vào Tehran.

Trong suốt 1 năm qua, Iran không có quá nhiều động thái để chống đỡ các “đòn trừng phạt kinh tế” mà Mỹ đưa ra. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn trở lại đây,  bất cứ hành động nào từ Mỹ cũng nhận được sự đáp trả tương xứng của Iran. Rõ ràng, Iran đã hết kiên nhẫn trong “trò chơi” trừng phạt,  nhất là trước việc Mỹ siết mọi ngả đối với nền kinh tế đang  bị kìm kẹp của Iran  khi quyết định cấm các quốc gia giao dịch dầu mỏ với Iran. Đáp trả Iran dọa sẽ phong tỏa eo biển Hormuz – con đường huyết mạch vận chuyển 40% nhu cầu dầu thô trên thế giới. Lo ngại điều xấu xảy ra, Mỹ  điều tàu sân bay, chiến đấu cơ thẳng tiến về Trung Đông để đối phó với những đe dọa bị tấn công.

Bước đi nguy hiểm

Mới đây, trong một bước đi được  cho là căng thẳng nhất, Iran tung  “con bài” Thỏa thuận hạt nhân Iran, ngừng thực hiện một số cam kết trong thỏa thuận- hành động được cho là “phóng một mũi tên trúng nhiều đích” , vừa cho nước  Mỹ thấy khả năng mà Iran có thể làm , mặt khác  khiến cho các đối tác trong thỏa thuận hạt nhân Iran “đứng ngồi không yên”.

Động thái bất ngờ của Iran muốn thu hẹp thực hiện JCPOA khiến thế giới lo ngại

Pháp, Đức, Anh  và Trung Quốc đã kêu gọi Iran ngừng các bước đi làm leo thang căng thẳng, đồng thời tuyên bố thỏa thuận hạt nhân phải được duy trì bởi về cơ bản JCPOA là một phần của cấu trúc không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu, một thành quả quan trọng đảm bảo an ninh khu vực và thế giới. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho rằng, nếu Iran vi phạm thỏa thuận, tất sẽ phải nhận các biện pháp trừng phạt. Trong khi đó Nga và Trung Quốc  lên án các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ.

Chưa bao giờ những hành động Mỹ và Iran lại khiến tình hình căng thẳng như hiện nay, nguy cơ leo thang trở thành một cuộc xung đột ngày càng rõ ràng. Các nhà quan sát nhận định, dù Mỹ đã có  động thái triển khai lực lượng như vậy nhưng khả năng dẫn đến xung đột không cao bởi trong các cuộc đấu chính quyền của Tổng thống Trump luôn nhắm vào “hầu bao” của đối thủ hơn là hành động quân sự….

Năm 2015, Thỏa thuận hạt nhân lịch sử được ký giữa Iran và nhóm P5 1 (gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Đức). Theo đó, Iran hạn chế chương trình hạt nhân của mình, đổi lại, các quốc gia phương Tây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.

Tháng 5/2018, Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran với lý do nội dung thỏa thuận không siết chặt các hoạt động thử tên lửa đạn đạo hay hạn chế việc Iran tham gia vào các cuộc xung đột trong khu vực. Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Tehran.


Hải Yến
Ý kiến của bạn