Thỏa thuận hạt nhân Iran đang bị đe dọa
Thỏa thuận hạt nhân Iran còn có tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) ký giữa nhóm P5 1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) với Iran năm 2015 phải mất nhiều năm ròng mới có kết quả. Vậy mà kể từ khi Tổng thống Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này khiến dư luận “đứng ngồi không yên”.
Theo thỏa thuận hạt nhân lịch sử, Iran sẽ đồng ý tạm dừng các chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy sự nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran
Ngoại giao con thoi “cứu” thỏa thuận hạt nhân lịch sử
Người đứng đầu nước Pháp mới đây đã có chuyến thăm Mỹ và một trong những nội dung của cuộc hội đàm cấp cao Pháp Mỹ là về sự sống còn mong manh của thỏa thuận hạt nhân Iran. Những tưởng Pháp sẽ thuyết phục được Mỹ từ bỏ ý định rút khỏi thỏa thuận này, nhưng dường như điều này không thành công. Trong cuộc họp báo chung, 2 Tổng thống đã thống nhất cho biết có khả năng sẽ có một thỏa thuận mới về chương trình hạt nhân Iran, thậm chí “thỏa thuận này còn lớn hơn rất nhiều” thỏa thuận cũ. Theo tiết lộ của Tổng thống Pháp, bản thỏa thuận phải bao gồm chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và vai trò của nước này ở Trung Đông.
Những điều khoản trong bản thỏa thuận 2015 mà Tổng thống Trump cho là “điên rồ” và bất lợi với các nước ký kết là “thỏa thuận đã không nhắc với vai trò của Iran ở khu vực Trung Đông, trong mối quan hệ với Yemen và Syria” bởi ảnh hưởng của nước này tới khu vực là không hề nhỏ. Vấn đề là cần phải tính tới các hoạt động hạt nhân dài hạn và hoạt động của tên lửa của Iran ở khu vực.
Càng gần đến thời hạn 12-5, quan hệ Mỹ Iran càng trở nên căng thẳng
Không chỉ có Pháp mà cả Đức – một trong những đối tác ký thỏa thuận hạt nhân 2015 – cũng canh cánh nỗi lo bản thỏa thuận sẽ “đi vào dĩ vãng”. Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ đến Mỹ vào ngày 27/4 và Thủ tướng Anh cũng sẽ tới Mỹ nhằm thuyết phục ông Trump không phá hỏng thỏa thuận. Các chuyến thăm ngoại giao con thoi nhưng cùng một mục đích liên tiếp diễn ra, tuy nhiên kết quả thực sự của nó cần đến thời điểm 12/5 mới sáng tỏ.
Về phần mình, Nga và Trung Quốc đều khẳng định không có chuyện đàm phán lại thỏa thuận đã ký với Iran và không thể có một lựa chọn nào thay thế thỏa thuận này.
Và những lựa chọn của Iran?
Phản ứng trước các động thái của Mỹ và các nước châu Âu, mới đây đỉnh điểm của tranh cãi, Tổng thống Iran Hassan Rouhani còn lên tiếng chỉ trích người đứng đầu nước Mỹ rằng ông là doanh nhân và không đủ năng lực để có thể đánh giá một hiệp ước quốc tế phức tạp như vậy.
Động thái mới nhất mà Iran vừa cảnh báo Mỹ nếu nước này rút khỏi JCPOA, thì Iran sẽ rời bỏ Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Đây sẽ là mối nguy cơ không chỉ của Mỹ mà của toàn thế giới, bởi một CHDCND Triều Tiên đã là quá đủ, Tổng thống Mỹ chắc chắn sẽ không muốn có thêm một quốc gia hạt nhân thứ hai như vậy. Hệ lụy nhãn tiền là một cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực và trên thế giới sẽ xảy ra.
Thậm chí Iran đã tính tới một con bài cuối cùng là chiến tranh, người đứng đầu Iran ví nguy cơ của một cuộc chiến tranh thế giới thứ 3 đang ngày càng hiện hữu. Chắc chắn, đây sẽ là một lựa chọn thảm khốc và nhiều đau thương nhất. Trên mặt trận ngoại giao, các bên đều đang đưa ra những tuyên bố cứng rắn hơn bao giờ hết. Trong khi Iran tuyên bố Mỹ sẽ hứng chịu những phản ứng kiên quyết với những hành động “bất ngờ”, thì Mỹ đáp trả rằng nếu Iran đe dọa họ sẽ “phải trả giá mà rất ít quốc gia từng trải qua”.
Một trong những lựa chọn mà nhiều nhà chính trị dự đoán là Iran sẽ tiếp tục thỏa thuận với các thành viên còn lại trong nhóm P5 1 bởi tất cả các quốc gia còn lại đều không muốn thỏa thuận này đổ vỡ . Đàm phán thỏa thuận khác hay tiếp tục duy trì thỏa thuận này với Mỹ đều là quyết định cần phải tính toán bởi nếu không Mỹ sẽ dễ bị cô lập và uy tín của Mỹ ở khu vực sẽ bị giảm sút…