Một sự thử thách kinh khủng đối với đạo đức truyền thống, đặc biệt đối với phụ nữ. Xin lấy ví dụ truyện ngắn Hài cốt viết năm 1949 của nhà văn nữ F.Hayashi (1904-1950), chuyên viết về những số phận hẩm hiu của tầng lớp dưới ở Tôkyô. Truyện viết về một phụ nữ trẻ goá phải bán thân nuôi gia đình. Chuyện không có gì đặc biệt vào thời kỳ chiến tranh vừa kết thúc. Nhưng tác giả đã thành công trong việc miêu tả một cách tinh tế và sâu sắc một tính cách phụ nữ. Misiô 26 tuổi, sống với con gái 7 tuổi. Chị rất yêu người chồng chết trận ở hải ngoại.
|
Tìm việc mãi không được, chị đành nghe lời một cô bạn học cũ làm gái giang hồ vì hoàn cảnh gia đình Misiô rất gay go: ông bố là một cựu đại tá về hưu đã hàng chục năm nay không có lương ăn. Đứa con gái gầy tong teo vì ăn thiếu chất. Chị đành thất tiết với chồng. Đoạn trích sau đây kể lại lần đi khách đầu tiên của chị:... Đêm mưa lạnh, Misiô đi kiếm khách ở ngoài phố. Sự việc xảy ra ngày đầu tiên đã diễn đi diễn lại, đối với Misiô không thể nào quên được. “Bao nhiêu?” - người đàn ông hỏi. Chị bối rối và cúi mặt áp mu bàn tay vào môi. Khi chị hiểu ra là họ hỏi giá tiền ngủ một đêm với chị thì chị cảm thấy vùng quanh thắt lưng chị tê đi. Misiô bẽn lẽn phủ khăn quàng ngang mũi và đáp: “Em không biết. Đây là lần đầu”. “Thật ư? Lần đầu của cô à? Cô nói dối!”. Vùng quanh ngực chị bỗng nóng ran. Anh ta nói bằng giọng đấu dịu: “Cô có vẻ là một cô gái đáng yêu đấy!”. Chị đi như mê mụ theo anh. Sau cùng, họ cũng đến một khách sạn bình dân. Misiô quấn chặt cái khăn quàng bẩn quanh người rồi vào buồng. Anh hỏi: “Chúng ta có ngủ lại qua đêm không?”. Anh có vẻ thông cảm với cảnh ngộ của chị, ngồi xổm trên chiếc chiếu rơm thô, anh rút ra một cái bao đã cũ sờn. Anh lại hỏi “Bao nhiêu?”. Misiô nhăn mặt. Mặc dù Ranchan đã dặn chị càng lấy được nhiều càng tốt, chị cũng vẫn không tài nào nói về tiền. Người khách đếm 10 tờ giấy bạc 100 yên và đặt vào tay chị. Chị suýt phát khóc lên. Trong giây phút ngắn ngủi ấy, chuỗi kỷ niệm về người chồng cũ tái hiện. Nhớ đến anh, chị tự dằn vặt: “Hẳn phải có một cách khác nào chứ?”. Nhưng cảnh ngộ của chị, chị chẳng thấy ra cách nào khác!... Những bộ mặt của cha, con gái Misiô quay tròn trước chị như những quân bài vẽ hình người. Để nước mắt tràn ra trên má, chị cảm thấy dễ chịu hơn. Chị lấy hộp phấn ra, ép mạnh nùi bông thoa phấn quanh hai con mắt đỏ. Phải gan góc lắm mới qua nổi đêm nay!...
Trong khi đó, người đàn ông rút ra chai rượu nhỏ, anh ta nhấp từng ngụm như chờ chị trấn tĩnh trở lại. Rồi anh gợi ý: “Ta chuẩn bị đi ngủ thì hơn!”. “Mấy giờ rồi anh?” - chị hỏi. “Quá mười giờ một chút!”.
Thật là một câu trả lời bâng quơ không cho chị có dịp mở đầu làm thân.
Khi chị lóng ngóng chuẩn bị chỗ nằm, anh đứng dậy ra buồng vệ sinh. Khi trở vào, không tỏ ra một dấu hiệu xúc cảm gì, anh cởi quần áo mau lẹ, giật tung cà vạt rồi cởi chiếc áo nịt màu xám và chiếc sơ mi trắng. Khi còn chiếc quần lót màu đen, anh chui vào mền.
Tim chị bỗng ngừng đập và chị chìm đắm trong một cảm giác ghê tởm cùng cực. Chị nhớ lại bài thơ Đức của Storm mà chị học thuộc thời đi học: “Hôm nay, chỉ hôm nay thôi…”. Misiô thích bài thơ đến mức chị đã chép nó và gửi cho chồng lúc đó đang ở hải ngoại. Chị còn viết cả câu: “Nếu chẳng may anh chết, em và con sẽ tự tử chết theo anh”. Thế mà… ôi cuộc sống! “Trời rét quá! Nào vào chăn đi cho ấm, cô!”. Chị cởi áo khoác, cởi bít tất rồi tắt đèn. Chị bỗng cảm thấy toàn thân giá lạnh. Không phải do cái rét bên ngoài mà Misiô bắt đầu run lập cập... Misiô suốt đêm không chợp mắt, chị mặc cho người đàn ông chủ động muốn làm gì thì làm. Đêm tối chuyển dần sang tảng sáng. Người đàn ông nằm sấp ngủ say, ngáy o o. Chị thở dài, chị không thể không cảm thấy tội lỗi khủng khiếp. Bất giác, người đàn ông quay mình, đưa một cánh tay ôm ngang ngực chị. Chị bỗng cảm thấy tâm hồn cô đơn như bắt đầu vỗ cánh, tự do hơn đêm trước. Chị nhẹ nhàng đưa tay vào dưới cánh tay anh. Thật lòng chị chả thấy thích gì anh, nhưng trong giây phút ngắn ngủi này, Misiô đã quen với anh. Đã lâu lắm, chị đã từng sống giờ phút tương tự với chồng. Chị cảm thấy hối hận, tai ù lên. Chị kết luận là tự làm mất phẩm giá hoá ra cũng khá đơn giản! Và cảm thấy gánh nặng đè trên vai nhẹ đi…
Đâu đây, một con gà trống gáy sáng…
Đó chỉ là một trong bao nhiêu số phận người dân Nhật, để sống nhẫn nhịn, thích ứng, kiên cường xây dựng lại một xã hội bị khốn khổ vì chiến tranh, và ngày nay, vì một thiên tai khủng khiếp…
Hữu Ngọc