Hà Nội

Số phận Dương Chí Dũng sau cái chết của tướng Phạm Quý Ngọ

20-02-2014 15:18 | Thời sự
google news

Dương Chí Dũng sau khi bị tuyên án tử hình đã có 2 hi vọng: Hoặc là được hưởng tình tiết giảm nhẹ với những khai báo liên quan đến Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, hoặc là hi vọng vào Nghị quyết 01 vẫn còn hiệu lực của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.

Dương Chí Dũng sau khi bị tuyên án tử hình đã có 2 hi vọng: Hoặc là được hưởng tình tiết giảm nhẹ với những khai báo liên quan đến Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, hoặc là hi vọng vào Nghị quyết 01 vẫn còn hiệu lực của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.

 21giờ 5 phút ngày 18/2, Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an - người đang được dư luận đặc biệt quan tâm trong mấy tháng gần đây bởi lời khai của Dương Chí Dũng (Cựu Chủ tịch Vinalines, người đã bị kết án tử hình trong phiên tòa sơ thẩm ngày 16/12/2013) trước Tòa về ông - đã ra đi vĩnh viễn sau 3 tháng chống chọi với căn bệnh ung thư gan.

Thượng tướng Phạm Quý Ngọ đột ngột qua đời
Thượng tướng Phạm Quý Ngọ đột ngột qua đời

Sẽ còn nhiều điều bàn luận về sự ra đi của ông, nhưng có một điều chắc chắn rằng những “bí mật” giữa ông và Dương Chí Dũng dù có ở bất cứ mức độ nào thì cũng sẽ còn là “bí mật”, bởi còn ai nữa mà hỏi, còn ai nữa mà đối chất, còn ai nữa để mà xác minh, kiểm tra,…

Niềm hi vọng của Dương Chí Dũng chỉ còn một nửa

Tuy nhiên, sau cái chết của Tướng Phạm Quý Ngọ, nhiều người đang quan tâm đến thân phận pháp lý của Dương Chí Dũng.

Khi đưa ra lời khai trước tòa liên quan đến Tướng Phạm Quý Ngọ, hẳn Dương Chí Dũng cũng hi vọng rằng đây sẽ là một tình tiết giảm nhẹ cho mình trong phiên tòa phúc thẩm sắp tới.

Giờ thì Tướng Ngọ đã qua đời, chẳng còn ai để đối chất, để xác minh, kiểm tra. Mặc dù các cơ quan chức năng cũng sẽ có nhiệm vụ tìm ra sự thật về lời khai của Dương Chí Dũng nhưng rất khó để xem đó là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo đã bị kết án tử hình này.

Như vậy là niềm hi vọng thứ nhất của Dương Chí Dũng coi như đã tắt. Chỉ còn niềm hi vọng thứ 2 là vận dụng nghị quyết 01 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao. Nghị quyết này do thẩm phán Trịnh Hồng Dương ký trước đây và đến bây giờ vẫn còn hiệu lực.

Về thân phận pháp lý của Dương Chí Dũng, Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến - Ủy viên Hội đồng Khen thưởng Kỷ luật, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết: Nghị quyết 01/2001 của Tòa án Tối cao về việc bồi thường thiệt hại đến nay vẫn có giá trị thực hiện. Do vậy, việc áp dụng theo Nghị quyết này đối với vụ án Dương chí Dũng cũng hoàn toàn hợp lý.

Luật sư Tiến phân tích: Tất nhiên, gia đình ông Dương Chí Dũng cũng như bản thân ông Dũng cần phải nhận thấy cái sai của mình và tích cực thực hiện việc bồi thường ngân sách đã tham ô của Nhà nước. Theo đó, căn cứ vào Nghị quyết 01/2001 của Tòa án Tối cao và Điểm b Khoản 1 của Điều 46 Bộ luật Hình sự thì đương nhiên Dương Chí Dũng phải được giảm mức án tử hình của tội tham ô xuống mức chung thân.

Còn tội Cố ý làm trái qui định Nhà nước về quản lý kinh tế chỉ có mức án 18 năm tù. Do vậy, tổng hợp hình phạt của nhiều tội mà trong đó có tội có khung hình phạt cao nhất là chung thân thì mức hình phạt cao nhất cũng chỉ là chung thân.

Cụ thể nhất, trước phiên tòa phúc thẩm, gia đình Dương Chí Dũng cần tích cực khắc phục hậu quả tối đa, ít nhất là một nửa của số tiền 10 tỉ đồng Dương Chí Dũng đã tham ô ngân sách của Nhà nước. Như thế, Dương Chí Dũng mới có thể thoát án tử hình.

Như vậy, có thể thấy, 2 niềm hi vọng của Dương Chí Dũng, nay chỉ còn “gần một nửa”.

Số phận người thừa kế tướng Ngọ

Theo tiến sĩ luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân, nếu xác định ông Ngọ có liên quan đến vụ án “làm lộ bí mật nhà nước”, về mặt nguyên tắc tố tụng thì khi bị can chết thì sẽ phải quyết định đình chỉ điều tra. Nếu trong trường hợp vụ án “làm lộ bí mật” đó mà chỉ có một mình tướng Ngọ là bị can thì sẽ phải đình chỉ cả vụ án, đình chỉ cả khởi tố bị can.

Nhưng nếu vụ án đó không chỉ có mình ông Ngọ mà còn có những người khác nữa thì sẽ chỉ đình chỉ bị can với ông Ngọ và vẫn tiến hành điều tra như bình thường.

Ngoài ra, cơ quan điều tra sẽ phải làm rõ trách nhiệm dân sự, những vấn đề mà ông Ngọ có liên quan để những người hưởng thừa kế của ông Ngọ phải có trách nhiệm trước Nhà nước và trước những người khác.

Trước đó, trong vụ án xét xử nguyên Đại tá công an Dương Tự Trọng về tội tổ chức cho anh trai mình trốn ra nước ngoài, Dương Chí Dũng đã khai tại tòa rằng ông Ngọ chính là người mật báo cho mình trước khi có quyết định khởi tố mình vì những sai phạm trong vụ án tại Vinalines. Ông Dũng còn tố cáo ông Ngọ đã nhận của mình tổng cộng 510 ngàn USD để giúp "chạy án". Từ những lời khai trên, ngày 8/1, TAND TP Hà Nội đã khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật nhà nước. Trả lời báo chí ngày sau đó, tướng Ngọ phủ nhận lời khai này.

Theo một luật sư trong lĩnh vực án hình sự khác, cơ quan điều tra chỉ mới khởi tố vụ án chứ chưa khởi tố bị can nên với một người đã chết thì không thể tiếp tục tiến hành điều tra, truy tố, xét xử… Tất nhiên, với nhiều người thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm trước lịch sử về những quyết định, những việc làm của mình nếu như những điều đó có tác động trong một giai đoạn lịch sử nào đó.

Trong khi đó, vụ án của ông Dương Chí Dũng, ngoài cái tên ông Ngọ còn có những cái tên khác, theo các luật sư thì “những ai liên quan sẽ tiếp tục được cơ quan điều tra làm rõ.

Trong khoảng 14 năm qua, Bộ Công an đã có 5 vị tướng ra đi lúc còn đương chức. Đó là: Thiếu tướng Nguyễn Văn Rốp (mất năm 2001); Thượng tướng Lê Minh Hương (mất năm 2004); Thượng tướng Nguyễn Văn Tính (mất năm 2006); Trung tướng Thi Văn Tám (mất năm 2008) và nay là Thượng tướng Phạm Quý Ngọ.

 

 


Ý kiến của bạn