Vụ án xảy ra tại Bưu cục Cầu Voi (Long An) gây chấn động bởi kẻ thủ ác đã giết hai mạng người. Cả xã hội bàng hoàng và phẫn nộ với mong muốn phải tìm ra được kẻ gây án để loại trừ những kẻ mất hết tính người như thế ra khỏi đời sống cộng đồng. Rồi kẻ gây án đã được cơ quan điều tra tìm ra và được khẳng định qua hai cấp xét xử tại tòa án với mức án tử hình.
Tội ác phải bị trừng trị là tất yếu nhưng lớn hơn sự trừng trị là bài học để ngăn chặn tội ác. Nếu sự trừng trị thiếu thuyết phục thì bài học của sự trừng trị chẳng những mất tác dụng mà có thể là nỗi đau cho người vô tội, là sự cười cợt của kẻ thủ ác thật sự. Ở vụ giết người tại Bưu cục Cầu Voi, báo chí xôn xao trước những tình tiết chưa được làm rõ của tử tội Hồ Duy Hải không hẳn vì biết rõ sự thật tử tù oan hay không oan mà là thái độ thận trọng của xã hội trước số phận của một con người. Thái độ ấy cũng là đòi hỏi của xã hội đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Rất may là đáng lẽ ngày 5/12, tử tội Hồ Duy Hải phải thực hiện án tử hình thì trước đó 1 ngày, Văn phòng Chủ tịch nước đã có công văn gửi Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truyền đạt ý kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với nội dung làm rõ trường hợp Hồ Duy Hải có bị kết án oan, sai hay không và báo cáo Chủ tịch nước kết quả trước ngày 4/1/2015.
Vấn đề không phải là cậu thanh niên chưa đầy 30 tuổi ấy có thoát chết hay được sống thêm 1 tháng hay không mà là sự thận trọng cần thiết từ người đứng đầu đất nước tới dư luận xã hội bắt đầu từ trái tim con người khi nghĩ về số phận con người.
Vâng, trái tim không thể và không được phép chi phối công lý, song những người thực thi công lý lại rất cần đến một trái tim. Thiếu nó, công lý sẽ thành tội ác!
Nhớ lại nạn nhân Nguyễn Thanh Chấn phải ngồi tù 10 năm vừa được giải oan. Vụ án Huỳnh Văn Nén do có dấu hiệu oan sai nên Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa có quyết định kháng nghị đề nghị hủy một phần bản án đối với ông Huỳnh Văn Nén. Vụ án tử tù Hàn Đức Long ở Bắc Giang cũng được xem xét lại. Những vụ án oan sai trên mặc dù qua hai cấp xét xử với nhiều phiên tòa nhưng cuối cùng oan vẫn cứ oan phải chăng trong đội ngũ thừa hành công lý có những người đang vô cảm, quan liêu, lười biếng, yếu cả về nghiệp vụ và lương tri?
Mọi cái sai đều gây thiệt hay song có thể sửa được nhưng nếu như ông Hàn Đức Long, Huỳnh Văn Nén bị thi hành án tử rồi hay ông Nguyễn Thanh Chấn không vì tình tiết giảm nhẹ đã ra pháp trường thì khi thủ phạm thật sự bị phát hiện và nhận tội sau 10 năm liệu có thể sửa lại điều đã mất?
Định đoạt số phận con người không thể vội, không thể “phấn đấu hoàn thành kế hoạch”. Tìm cho ra sự thật khách quan của vụ án, trả lời các vấn đề, chứng cứ mà các cấp tòa còn thiếu sót, chưa làm rõ một cách tâm phục khẩu phục là đòi hỏi của lương tri trước số phận con người. Nếu có đầy đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của Hồ Duy Hải, khi đó thi hành án tử hình cũng không muộn. Còn như là oan sai thì không những một mạng người vô tội được minh oan mà sau nó còn là hạnh phúc, danh dự của cả một gia đình, dòng họ cũng như tinh thần thượng tôn pháp luật trong xã hội ta càng được khẳng định.
Số phận một con người từ quyết định kỷ luật cảnh cáo đến ngồi tù oan sai đã quá đau đớn. Người bị tử hình và thi hành án tử càng phải cần thận trọng hơn bởi nếu oan sai thì không có sự đền bù nào tìm lại được.
Luật pháp trừng trị tội ác nhưng luật pháp cũng là phương tiện bảo vệ người vô tội, gìn giữ hạnh phúc, sự bình yên bắt đầu từ mỗi mái nhà.
Lê Quý Hiền`