Hà Nội

Số người tử vong do bệnh dại vẫn cao, vì sao?

01-06-2019 11:45 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo Bộ NN&PTNT, tình hình bệnh dại có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây, cụ thể: Trong năm 2018, cả nước có 103 người tử vong vì bệnh dại (tăng 29 trường hợp so với năm 2017) và có 521.831 người bị phơi nhiễm phải đi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại (tăng 21.117 trường hợp so với năm 2017), trong đó 41% các trường hợp là do chó thả rông có biểu hiện ốm và lên cơn dại cắn. Trong 4 tháng đầu năm 2019, cả nước có 16 người tử vong vì bệnh dại và 170.765 người phơi nhiễm phải đi tiêm vắc-xin dại. Nguyên nhân vì sao?

Tức tưởi những ca tử vong do bệnh dại

Ông Nguyễn Văn C., tại TP. Lào Cai, có đi mua một con chó không rõ địa chỉ người bán, sau đó ông bị chó cắn vào tay, vết thương rách da có chảy máu. Sau khi cắn ông C., con chó đã bỏ đi mất tích. Gia đình đã đưa ông đi tiêm phòng 2 mũi là huyết thanh kháng dại và một mũi vắc-xin phòng dại, sau đó ông C. bỏ không tiếp tục tiêm phòng các mũi theo lịch hẹn của cơ quan y tế địa phương, sau đó ít ngày, ông C. tử vong.

Tại Đăk Lăk, cháu Y Minh Hiệu N. huyện M’Đrăk, bị chó của nhà hàng xóm cắn. Tuy nhiên, cháu không báo cho gia đình biết để đi tiêm phòng. Một thời gian sau thì con chó cắn cháu chết. Ít ngày sau gia đình phát hiện con mình mệt mỏi, người đau nhức, sợ nước, gió... nên đưa vào Bệnh viện huyện M’Đrăk cấp cứu. Sau đó bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên và được chẩn đoán dại, suy hô hấp tuần hoàn và tử vong.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có gần 1.900 trường hợp phải điều trị dự phòng do bị chó, mèo cắn. Trong số đó, trẻ em dưới 15 tuổi chiếm tỷ lệ lớn và chủ yếu là người dân tộc thiểu số sống ở vùng đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa.

Số người tử vong do bệnh dại vẫn cao, vì sao?Khi bị cho dại cắn, người dân cần khẩn trương đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng.

Thuốc Đông y không cứu được người khi bị bệnh dại

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, nguyên nhân gia tăng tình trạng chó thả rông, chó cắn người là do nhiều địa phương chưa có quy định cụ thể việc bắt chó thả rông ở nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý. Chưa thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh dại, có dấu hiệu mắc bệnh dại. Hầu hết các địa phương chưa áp dụng nghiêm các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bệnh dại còn nhiều hạn chế...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chỉ ra, có 3 nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ người tử vong và bị phơi nhiễm do bệnh dại tại nước ta gia tăng trong thời gian qua. Thứ nhất, là bởi 100% các trường hợp tử vong vì bệnh dại là do chó bị bệnh cắn. Các trường hợp người bị mèo hoặc các động vật khác cắn thường an toàn về tính mạng. Thứ hai, các trường hợp tử vong đều không đi tiêm vắc-xin điều trị dự phòng bệnh dại sau khi bị chó cắn, khiến tình trạng bệnh trở nên nguy hiểm và khó kiểm soát hơn. Và cuối cùng, việc sử dụng các loại thuốc Đông y để điều trị khi bị chó cắn vẫn còn phổ biến, dẫn đến nhiều người bị tử vong do lên cơn dại.

Để giảm thiểu tình trạng chó thả rông cắn người, cũng như số người bị tử vong vì bệnh dại, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý chó nuôi và phòng chống bệnh dại ở động vật. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành nông nghiệp và phát triển nông thông đề nghị các địa phương tập trung thực hiện là tăng cường áp dụng các chế tài xử phạt vi phạm quy định về nuôi chó, tiêm phòng vắc-xin bệnh dại; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống bệnh dại và quản lý chó nuôi.

Bà Nguyễn Thị San - Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La cho biết, những năm qua, dù đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền song nhận thức về phòng, chống bệnh dại của người dân trên địa bàn vẫn còn kém. Hằng năm vẫn xuất hiện nhiều ca phơi nhiễm dại, tử vong vì lên cơn dại do chủ quan không đến cơ sở y tế tiêm phòng, tự điều trị hay dùng thuốc Nam tại nhà.

Nhằm tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại chủ động, đặc biệt trong giai đoạn thời tiết nắng nóng, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên vừa đề nghị Sở Y tế các tỉnh Tây Nguyên tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện các hoạt động phòng, chống bệnh dại. Cụ thể, ngành y tế các tỉnh cần triển khai giám sát phát hiện sớm các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại do chó, mèo liếm, cào, cắn để theo dõi, tư vấn tiêm phòng vắc-xin; mở rộng dịch vụ tiêm phòng vắc-xin tại các vùng có nguy cơ cao; tăng cường truyền thông về phòng, chống bệnh dại để nâng cao nhận thức của người dân; tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh dại trên địa bàn quản lý và chỉ đạo sự phối hợp giữa y tế và cơ quan thú y triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh dại trên người và động vật...


Nguyên Vũ
Ý kiến của bạn