Thời gian toàn xã hội và nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ rất nhiều cho người lao động. Vậy nên, các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để bảo hiểm thất nghiệp tăng hấp dẫn, thu hút nhiều người tham gia, góp phần bảo đảm đời sống, an sinh cho người lao động.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thời điểm cuối tháng 4/2022, cả nước có hơn 13,64 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tăng hơn 200.000 người so với thời điểm cuối năm 2021, bằng gần 80% tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. So với lực lượng lao động trong độ tuổi, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 26,97%. Có thể thấy chính sách bảo hiểm thất nghiệp ngày càng hấp dẫn, nên tăng dần số người tham gia.
Cụ thể, người lao động mất việc làm tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ 12 tháng trở lên được hưởng trợ cấp bằng 60% mức bình quân tiền lương của 6 tháng cuối, thời gian hưởng tối thiểu 3 tháng, được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí. Những năm gần đây, nhiều đơn vị, doanh nghiệp tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động...
Trên thực tế, số người hưởng lợi từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tăng, quyền lợi ngày càng mở rộng. Nếu năm 2015, tổng chi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp là gần 4.883 tỷ đồng, thì đến năm 2020, con số này tăng lên 17.898 tỷ đồng (gấp hơn 3,66 lần). Số người được tư vấn, giới thiệu việc làm cũng tăng nhanh với hơn 2,2 triệu lượt người vào năm 2020, tăng hơn 5 lần so với năm 2015.
Cùng với việc thực hiện các chế độ, chính sách thường xuyên, năm 2021, gói hỗ trợ an sinh chưa có tiền lệ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp dành cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã giúp gần 13 triệu người hưởng lợi với kinh phí lên tới hơn 30.000 tỷ đồng. Nguồn trợ giúp này góp phần tiếp sức cho người lao động, người sử dụng lao động vượt qua giai đoạn khó khăn.
Tuy nhiên, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp hiện còn ít so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Để chính sách này tăng hấp dẫn, ông Nguyễn Thế Mạnh - Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, các bộ, ngành chức năng tiếp tục thực hiện, triển khai bảo hiểm thất nghiệp đặt trong chương trình tổng thể cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, lao động, tiền lương, thu nhập. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng sẽ phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng chú trọng giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp của người lao động...
Trên tinh thần đó, các tỉnh, thành phố chú trọng thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp gắn với chính sách về việc làm. Chẳng hạn tại Hà Nội, thành phố đặt mục tiêu trong giai đoạn 2022-2025, các cơ quan chức năng tư vấn miễn phí về nhiều mặt cho 100% người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp bị chấm dứt hợp đồng, nếu họ có nhu cầu; bảo đảm 80% số lao động thất nghiệp có nhu cầu tìm việc làm được giới thiệu việc làm miễn phí...