Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã khiến 40 người chết, 8 người mất tích, gây nhiều thiệt hại về người và của.
Cụ thể: Về người, 40 người chết (34 người do bị lũ cuốn; 03 thuyền viên trên biển, 03 người bị điện giật do dọn dẹp sau lũ, chưa đề cập đến các nạn nhân do sạt lở thủy điện Rào Trăng 3). Trong đó: Quảng Bình 02, Quảng Trị 12, Thừa Thiên Huế 08, Quảng Nam 09, Đà Nẵng 03, Quảng Ngãi 01, Gia Lai 01, Đắk Lắk 01, Lâm Đồng 01, Kon Tum 02.
Số người mất tích là 8 người (04 người do lũ cuốn; 04 thuyền viên trên biển), gồm: Quảng Trị 03, Thừa Thiên Huế 01, Đà Nẵng 01, Quảng Nam 02, Gia Lai 01.
Về nhà ở: 585 nhà bị sập đổ, hư hỏng, 135.731 nhà bị ngập.
Về giao thông: 137 điểm Quốc lộ, 14.737m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng; tuyến đường sắt Hà Nội-Đông Hà bị chia cắt đến ngày 14/10 mới thông tuyến.
Về nông nghiệp: 870ha lúa, 5.314ha hoa màu bị ngập, vùi lấp; 3.588ha thủy sản bị thiệt hại; 332.350 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Về tàu thuyền: 06 tàu vận tải/57 người bị sự cố tại tỉnh Quảng Trị, trong đó đã cứu vớt được 50 người, 07 người bị chết, mất tích; 04 tàu cá/17 người bị chìm, các thuyền viên được cứu vớt an toàn.
Ảnh minh họa.
Huy động hơn 9.600 người tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả mưa lũ, bão
Thủ tướng Chính phủ; Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo quyết liệt, ban hành công điện; Phó Thủ tướng – Trưởng ban, Bộ trưởng – Phó trưởng ban Thường trực và lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trực tiếp đi kiểm tra chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả; cử 02 đoàn công tác của Văn phòng Thường trực đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi.
Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN; các đơn vị Quân khu 4, 5, Bộ đội Biên phòng đã huy động 9.607 người, 267 phương tiện phối hợp với các lực lượng của địa phương tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả mưa lũ, bão.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh/TP đã tổ chức di dời, sơ tán dân cư tại các vùng trũng, thấp, ngập sâu; cho học sinh nghỉ học; huy động các lực lượng để tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi, động viên gia đình có người bị nạn và chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả.
Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đã có báo cáo, tờ trình đề xuất về nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp hàng dự trữ quốc gia, gồm:
- 6.500 tấn gạo (Quảng Bình: 3.000; Quảng Trị 1.500; Thừa Thiên Huế 1.000; Quảng Nam 1.000);
- 5,5 tấn lương khô (Quảng Trị: 1,5; Thừa Thiên Huế: 2,0; Quảng Nam: 2,0);
- 20.000 thùng mỳ tôm (Thừa Thiên Huế:10.000; Quảng Nam: 10.000);
- Các loại thuốc, hóa chất khử trùng và vật tư, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.
Ban Chỉ đạo đã tổng hợp nhu cầu và có văn bản số 145/TWPCTT ngày 14/10 gửi các Bộ ngành liên quan đề nghị hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai.
Để ứng phó với áp thấp nhiệt đới và diễn biến tiếp theo, cần tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn tàu thuyền trên biển di chuyển trú, tránh ATNĐ và tại các khu neo đậu, tránh để lặp lại các sự cố về tàu, thuyền những ngày vừa qua, đặc biệt lưu ý tàu vận tải, neo đậu nơi cửa sông khi có lũ.
Cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, khi có bão vào không được để ngươi trên tàu.
Kiểm tra khu vực dân cư có nguy cơ sạt lở, lũ quét kể cả các khu đô thị (như Khánh Hòa, Bình Định).
Kiểm tra chuẩn bị các phương án, biện pháp ứng phó với mưa, lũ lớn tại các khu vực Trung Trung Bộ, đặc biệt là các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đợt mưa lũ vừa qua.