Rau xanh hạ nhiệt, tôm cá tăng giá
Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin tức, ngày 29/1, tại một số chợ trên địa bàn TP Hà Nội, hoạt động kinh doanh tấp nập trở lại, nguồn cung hàng hóa sau Tết dồi dào. So với thời điểm giáp Tết, giá các mặt hàng hiện nay đã nhanh chóng ổn định, trong khi các năm trước, giá thường tăng trong thời gian khá dài.
Tại chợ Yên Duyên (Yên Sở, Hoàng Mai), chợ phố Bạch Mai, Trại Găng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), giá rau xanh, củ quả từng leo thang khá nhanh những ngày cận Tết, thì nay đã giảm về mức hợp lý, một số loại rau còn rẻ hơn so với những ngày thường, nhưng sức mua rất yếu, hàng bán chậm.
Giá hành lá hiện 30.000 đồng/kg, cận Tết là 40.000 đồng/kg, ngày thường 20.000 đồng/kg; rau muống bè là 30.000 đồng - 35.000 đồng/mớ, rẻ hơn nhiều so với cận Tết; su hào giá 5.000 - 10.000 đồng/củ, cận Tết là 13.000 -15.000 đồng/củ, trong khi ngày thường là 5.000 đến 7.000 đồng/củ; bắp cải là 15.000 đồng/kg, cận Tết là 20.000 đồng/kg, ngày thường là 10.000 đến 12.000 đồng/kg; cải ngọt 10.000 đồng/kg, cận Tết 12.000 đến 15.000 đồng/kg; chanh Đà Lạt 35.000 đồng/kg, giá vẫn như ngày thường; cà chua 30.000 đồng/kg; giá rau cải chíp trước là 10.000 đồng/mớ, hiện 7.000 đến 8.000 đồng/mớ.
Theo chị Nguyễn Mai, tiểu thương bán hàng tại chợ Yên Duyên, Tết năm nay sức mua chậm nên tiểu thương không vội lấy hàng nhiều, chỉ lấy vừa đủ bán. So với mấy năm trước, ra Giêng, hàng rau củ quả thường bán khá chạy thì hiện bán khá chậm.
Còn thịt lợn giá cả ở mức 100.000 - 120.000 đồng/kg, tùy loại thịt; thịt bò thăn ở mức giá từ 270.000 - 300.000 đồng/kg, so với ngày thường từ 220.000 đồng - 250.000 đồng/kg. Song, sức tiêu thụ thịt lợn, thịt bò của người dân hiện nay còn ở mức cầm chừng.
Chị Đỗ Hoa (Tiểu thương chợ Nghĩa Tân, Cầu Giấy) cho hay, sau Tết, giá tôm, cá nhập vào tăng nên giá bán cũng tăng. Theo đó, các loại tôm size 30-35 con/kg trước đây có giá 250.000 đồng/kg, thì nay 300.000 đồng/kg, loại to hơn chút tăng lên 400.000 đồng/kg, bình thường giá chỉ khoảng 300.000 đồng/kg.
Cùng với đó, các loại cá nuôi được nhiều người mua như điêu hồng, cá lóc, cá trê đều có giá từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, cá trắm to cắt khúc có giá 80.000 đồng - 100.000 đồng/kg. Theo các tiểu thương, thời điểm này nguồn cung cá biển, tôm dần phục hồi và dồi dào hơn. Giá các loại cá tươi sống tăng khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg so với ngày thường.
Hoa tươi chủ yếu là hồng và cúc vàng, giá hoa cúc ở mức 10.000-12.000 đồng/bông; hoa lay ơn 120.000 - 200.000 đồng/10 cành. Hoa hồng có giá bán 20.000-25.000 đồng/bông, mức giá này có tăng nhẹ so với thời điểm bình thường và tương đương với thời điểm cận Tết.
Ổn định nguồn cung, giá cả hàng hoá
Ghi nhận tại các siêu thị, giá cả hàng hóa được duy trì ổn định từ trước, trong và sau Tết. Tại một số siêu thị như AEON, BigC, GO!, Winmart, các loại rau xanh, trái cây khá phong phú. Các mặt hàng gia dụng, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến… đều có khuyến mại, giảm giá.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết khá phong phú, các siêu thị tổ chức nhiều chương trình khuyến mại nên giá cả hàng hóa không tăng đột biến. Ngoài việc chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ, các doanh nghiệp phân phối đưa ra nhiều chương trình chiết khấu, khuyến mại giảm giá từ 10% đến 50% để phục vụ khách hàng.
Theo đại diện Bộ Công Thương, nhìn chung, thị trường hàng hóa trong những ngày trước và trong Tết tương đối ổn định, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh triển khai nhiều chương trình khuyến mại và chuẩn bị nguồn hàng hóa đa dạng, phong phú về chủng loại và số lượng nhằm kích cầu người dân mua sắm hàng hóa dịp Tết. Một số trung tâm thương mại, siêu thị đã mở cửa phục vụ nhân dân ngay từ những ngày đầu năm.
Theo đại diện Bộ Tài chính, dịp Tết Nguyên đán, giá cả thị trường hàng hóa, thực phẩm không có biến động bất thường do cơ quan quản lý đã chủ động các giải pháp bình ổn thị trường, cân đối cung cầu hàng hóa từ trước, trong và sau Tết. Giá cả dịp này cơ bản nằm trong tính toán của cơ quan quản lý và các phương án điều hành. Lượng hàng hóa dồi dào, được tổ chức lưu thông thông suốt trên địa bàn cả nước, nhất là các mặt hàng nông sản do tình hình sản xuất, thời tiết khá thuận lợi, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của người dân.
Nhiều siêu thị đã triển khai kế hoạch mở cửa sớm và đóng cửa muộn trong tuần lễ mua sắm Tết cao điểm, một số chuỗi cửa hàng tiện ích, siêu thị mở cửa xuyên Tết khiến nguồn hàng cung cấp ra thị trường không bị gián đoạn; không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, đầu cơ tích trữ găm hàng trong dịp Tết.
Sang những ngày đầu năm mới, hầu hết các chợ, siêu thị đều đóng cửa vào ngày mùng 1 và mùng 2 Tết. Từ ngày mùng 3 Tết, một số siêu thị, chợ truyền thống đã mở cửa đón khách trở lại. Vào mùng 4 và mùng 5 Tết, hoạt động mua bán hầu như trở về bình thường, nhu cầu tiêu dùng đầu năm không cao nên giá cả không có đột biến.
Theo Bộ Tài chính, sau Tết bắt đầu là thời điểm của lễ hội diễn ra trên cả nước, nhu cầu đi lại, tiêu dùng thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình, đồ mua sắm phục vụ lễ hội đầu năm có khả năng sẽ có xu hướng tăng. Do đó, cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá.
Đối với tháng 2 và quý I/2023, các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả các hàng hóa, dịch vụ thiết yết, thực hiện kiểm soát chặt chẽ và bình ổn giá cả đối với mặt hàng dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống, đi lại phục vụ dịp lễ, tết. Đồng thời, tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá gắn với kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế, phí (nhất là dịch vụ tham quan, du lịch, dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô).
Bộ Tài chính cũng đề nghị quản lý chặt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết các mặt hàng có nhu cầu tăng cao sau Tết; tăng cường kiểm tra, giám sát việc kê khai giá, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải trong dịp sau Tết, xử lý nghiêm các tình trạng lợi dụng tăng giá bất hợp lý.
Đối với cả năm 2023, Theo Bộ Tài chính, công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động, linh hoạt đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu 4,5% do Quốc hội và Chính phủ đề ra. Cụ thể, cần theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để kiến nghị các biện pháp điều hành về tiền tệ, tài khóa phù hợp.
Đối với các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai việc tính toán, đánh giá tác động, chuẩn bị phương án để bảo đảm ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Đối với các hàng hóa, dịch vụ khác, trên cơ sở việc tiếp tục triển khai bình ổn giá cả dịp trước, trong và sau Tết, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý; chủ động dự báo và có các phương án bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vật liệu xây dựng, lương thực, vật tư nông nghiệp…