Số lượng thuốc được chuyển giao công nghệ rất thấp

23-11-2022 13:32 | Xã hội

SKĐS - Ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, số lượng thuốc được chuyển giao công nghệ rất thấp, chủ yếu là gia công cho các cơ sở trong nước cũng như nước ngoài. Thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong ngành công nghiệp dược phẩm tại Việt Nam là rất cần thiết để thực hiện QĐ 376.

Sáng 23/11, Bộ Y tế và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức Hội thảo "Thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong ngành công nghiệp dược phẩm tại  Việt Nam" nhằm nhận diện những rào cản và những khó khăn từ thực tế, từ đó khuyến nghị các giải pháp tháo gỡ nâng cao hiệu quả trong thực hiện chủ trương của Nhà nước về thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực dược phẩm. Đây là mong muốn không chỉ của doanh nghiệp mà cả của người dân làm sao để họ có thể tiếp cận được thuốc, các sản phẩm dược phẩm, thiết bị y tế có chất lượng.

Tham dự hội thảo có bà Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học công nghệ (Bộ KH&CN), đại diện các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp dược ….

Số lượng thuốc được chuyển giao công nghệ rất thấp

 - Ảnh 1.

Ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo

Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo, ban hành và triển khai nhiều chính sách nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư để phát triển công nghiệp dược góp phần đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả, giá cả hợp lý. Tuy nhiên các dự án chuyển giao công nghệ thời gian gần đây vẫn còn khiêm tốn, vậy nguyên nhân do đâu và cần những giải pháp gì để tháo gỡ...

Phát biểu tại hội thảo, ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế  cho biết, trong hơn 800 doanh nghiệp khoa học công nghệ của cả nước, số lượng doanh nghiệp khoa học công nghệ trong lĩnh vực dược rất ít, các doanh nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn. "Hiện nay, số lượng thuốc được chuyển giao công nghệ rất thấp, chủ yếu là gia công cho các cơ sở trong nước cũng như nước ngoài.", ông Hùng cho biết.

Ngày 17/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 376/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, đến năm 2025, thuốc sản xuất trong nước đạt 75% số lượng sử dụng và 60% giá trị thị trường, tỷ lệ sử dụng dược liệu nguồn gốc trong nước, thuốc dược liệu tăng thêm ít nhất 10% so với năm 2020.

Số lượng thuốc được chuyển giao công nghệ rất thấp

 - Ảnh 2.

Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp

Đến năm 2030, thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 80% số lượng sử dụng và 70% giá trị thị trường. Chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc phát minh còn bản quyền, vaccine, sinh phẩm và thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được. Phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực với giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 1 tỷ USD.

Định hướng đến năm 2045, tổng giá trị ngành công nghiệp dược dóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD.

Hiện nay, trong quá trình triển khai QD 376/QĐ-TTG xuất hiện hàng loạt khó khăn như chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư đối với sản xuất thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế còn chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, chưa thu hút nguồn đầu tư phát triển dược liệu. Chính sách quản lý giá thuốc, định hướng dử dụng thuốc generic… hạn chế việc chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc mới, thuốc biệt dược.

Ngoài ra, các quy định về bảo vệ, sở hữu trí tuệ, chống hàng giả, hàng nhái còn nhiều bất cập, gây lo ngại cho các cơ sở sản xuất và các nhà đầu tư nước ngoài. Các dự án phát triển dược liệu triển khai chậm, liên kết giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương/ nông dân còn chưa chặt chẽ, chưa tạo sự ổn định về đầu ra cho dược liệu.

Để đạt được các mục tiêu trong Quyết định 376 của Chính phủ, cần sự phối hợp của các bộ ngành như Bộ Y tế, Bộ KH&CN và các doanh nghiệp với mục tiêu để người dân có thể sử dụng những sản phấm có chất lượng tốt và hướng tới xuất khẩu.

Số lượng thuốc được chuyển giao công nghệ rất thấp

 - Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Ông Đậu Anh Tuấn- Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, ngành dược có tầm quan trọng đối với an sinh xã hội, sự ổn định của đời sống xã hội và mỗi người dân, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh.  Mặc dù QĐ 376 của Chính phủ đã đề ra nhiều ưu đãi đối với các dự án, hoạt động chuyển giao công nghệ với thuốc biệt dược gốc, tuy nhiên cho đến nay các ưu đãi này chưa được thực hiện. Các doanh nghiệp trong nước nhận chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc phát minh rất hạn chế do các ưu đãi  chưa đủ hấp dẫn các doanh nghiệp chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc tại Việt Nam…  

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học công nghệ (Bộ KH&CN), tại Việt Nam, trong số các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hiện nay, hầu như chỉ có các doanh nghiệp sản xuất dược liệu thiên nhiên, thực phẩm chức năng, còn thuốc chữa bệnh hiểm nghèo, khẩn cấp mang tính điều trị, Việt Nam còn vắng bóng. "Như vậy, việc chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất thuốc, đặc biệt là biệt dược còn rất yếu", ông Quất nói.

Ông Phạm Hồng Quất khẳng định: "Nếu không có những đột phá về chính sách, thúc đẩy đầu tư thì tình trạng sản xuất gia công (dược phẩm) vẫn phổ biến tại Việt Nam". Ông Quất nêu thực trạng, khi chuyển giao công nghệ xong sẽ coi đây là thuốc sản xuất trong nước. Tuy nhiên chính sách cho đối với sản phẩm sản xuất trong nước hiện nay cũng khác với thuốc xuất khẩu, đó là khó khăn khi mở rộng thị trường. 

Hội thảo còn thu hút nhiều ý kiến từ các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước nhằm tháo gỡ khó khăn, tiến tới phát triển ngành công nghiệp dược phẩm dược phẩm của Việt Nam trong tương lai.

Việt Nam tăng cường tiếp cận nguồn nguyên liệu để nghiên cứu sản xuất thuốc trị bệnh đậu mùa khỉViệt Nam tăng cường tiếp cận nguồn nguyên liệu để nghiên cứu sản xuất thuốc trị bệnh đậu mùa khỉ

SKĐS - Theo Hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh đậu mùa khỉ của Bộ Y tế, các thuốc chứa dược chất Tecovirimat, Brincidofvir, Cidofovir, Probenecid là các thuốc được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng...

Cập nhật mới nhất về tiến độ sản xuất vaccine COVID-19 của Việt NamCập nhật mới nhất về tiến độ sản xuất vaccine COVID-19 của Việt Nam

SKĐS - Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình sản xuất vaccine COVID-19 trong nước, hiện tại, cả nước có 5 ứng viên vaccine đang được nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng.

Hải Yến
Ý kiến của bạn