Số lượng kỳ thi riêng gia tăng, liệu có giảm gánh nặng thi cử cho người học?

07-02-2023 09:42 | Thời sự
google news

SKĐS - TS. Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam bày tỏ sự lo ngại khi việc tổ chức các kỳ thi riêng để phục vụ xét tuyển đại học dường như đang trở thành xu hướng.

Năm 2023, phương thức tuyển sinh đại học bằng IELTS vẫn ‘hot’Năm 2023, phương thức tuyển sinh đại học bằng IELTS vẫn ‘hot’

SKĐS - Trong một vài mùa tuyển sinh gần đây, việc các trường đại học đưa các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế vào tuyển sinh không còn lạ lẫm, thậm chí, đây là phương thức tuyển sinh khá "hot", nhiều thí sinh lựa chọn. Để xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ, thí sinh cần đạt ngưỡng điểm IELTS từ 5.0 - 6.0 trở lên.

Theo thống kê từ Bộ GD&ĐT, năm 2022, các trường đại học dành 31.435 chỉ tiêu (trên tổng số 587.786 chỉ tiêu) để xét tuyển từ kết quả của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.

Tới nay, đã có gần 10 cơ sở giáo dục đại học thông báo tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, đánh giá chuyên biệt… (kỳ thi riêng) để tuyển sinh năm 2023 gồm: kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP. HCM, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP HCM, thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội, thi đánh giá của Bộ Công an, thi năng khiếu của các trường khối ngành mỹ thuật, âm nhạc…

Việc ra đời các kỳ thi độc lập trong xét tuyển đại học nhận được phản ứng tích cực của xã hội, tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng, với sự gia tăng nhanh của các kỳ thi riêng đã khiến thí sinh bị áp lực, nhiều thí sinh chưa biết sẽ lựa chọn tham gia như thế nào để đạt được kết quả cao.

Số lượng kỳ thi riêng gia tăng, liệu có giảm gánh nặng thi cử cho người học? - Ảnh 2.

Hiện tại, đã có gần 10 cơ sở giáo dục đại học thông báo sẽ tổ chức kỳ riêng để tuyển sinh năm 2023. Ảnh minh họa

Theo TS. Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), theo Luật 34 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cho phép các trường được quyền tự chủ, tự quyết định phương thức tuyển sinh. Tuy nhiên, TS. Lê Viết Khuyến bày tỏ sự lo ngại khi việc tổ chức các kỳ thi riêng để phục vụ xét tuyển đại học dường như đang trở thành xu hướng.

Hiện cả nước chỉ có một kỳ thi tuyển sinh quốc gia là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kỳ thi này nhằm 2 mục đích, một mặt xét điều kiện tốt nghiệp THPT của học sinh, mặt khác là căn cứ để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng; trên tinh thần giảm gánh nặng thi cử, phiền hà cho người học.

TS. Lê Viết Khuyến đặt vấn đề: "Nhiều trường tổ chức thêm các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, trong khi vẫn còn kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điều này liệu có đúng với tinh thần giảm gánh nặng thi cử cho người học?".

Có rất nhiều lập luận khác nhau về vấn đề lý do cần tổ chức các kỳ thi riêng. Một số ý kiến cho rằng không tin tưởng vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT hay tính phân loại của kỳ thi chưa cao nên các trường phải tổ chức thêm kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Hoặc cũng có ý kiến cho rằng, việc tổ chức các kỳ thi riêng giúp thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển vào ngôi trường mình mong muốn,...

Về vấn đề này, TS. Lê Viết Khuyến cho rằng cần xem xét dựa trên nhiều khía cạnh thay vì đưa ra nhận định chủ quan. "Một trong những ưu điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT là thí sinh có cơ hội trúng tuyển nhiều trường khác nhau. Nếu trượt trường này, thí sinh vẫn có thể sử dụng kết quả đó để trúng tuyển vào trường khác. Tuy nhiên, với các kỳ thi riêng, kết quả chỉ được công nhận ở một số lượng trường nhất định. Thí sinh muốn tăng cơ hội trúng tuyển vào nhiều trường đại học có thể phải tham gia nhiều kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, nhưng đồng thời các em vẫn phải ôn thi tốt nghiệp THPT" - TS. Lê Viết Khuyến phân tích.

Ngoài ra, TS. Lê Viết Khuyến cho rằng, việc tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy không phải là điều dễ dàng. Để đảm bảo kỳ thi đạt chất lượng, đánh giá chính xác năng lực người học đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia rất am hiểu về đo lường, đánh giá trong ra đề thi. Điều này có thể là khó khăn với nhiều cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là các trường chuyên ngành, không phát triển về khoa học giáo dục.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng bày tỏ quan điểm, Bộ GD&ĐT cần phải thể hiện hơn nữa vai trò quản lí của mình, tổ chức các hội đồng chuyên môn để đánh giá về năng lực của những trường có thể đứng ra tổ chức kỳ thi riêng. "Theo tôi, trường nào quyết tâm trong việc tự tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy cần có đề án chứng minh mình đủ khả năng tổ chức", TS. Lê Viết Khuyến cho biết.

Trước việc ngày càng nhiều trường tổ chức kỳ thi riêng, PGS. Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, thí sinh cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của các trường để có kế hoạch phù hợp. Việc tham gia quá nhiều kỳ thi sẽ gây lãng phí thời gian, công sức, tạo áp lực và gánh nặng về thi cử trong khi lại khó có kết quả như mong muốn.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, các kỳ thi có định hướng vào những lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, 2 ĐHQG có kỳ thi với phạm vi lĩnh vực rộng; ĐH Bách khoa Hà Nội có kỳ thi chủ yếu dành cho lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ; Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho lĩnh vực đào tạo giáo viên; Bộ Công an tổ chức kỳ thi riêng cho các trường khối an ninh, công an… Do đó, thí sinh không cần lựa chọn tham gia nhiều kỳ thi mà cần tập trung ôn tập để hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Năm 2023, Trường Đại học Dược Hà Nội tuyển 960 chỉ tiêu theo bốn phương thứcNăm 2023, Trường Đại học Dược Hà Nội tuyển 960 chỉ tiêu theo bốn phương thức

SKĐS - Theo PGS.TS. Đinh Thị Thanh Hải - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội, năm 2023, Trường Đại học Dược Hà Nội dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh các ngành và phương thức tuyển sinh đại học cơ bản ổn định như năm 2022.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn