Tại hội nghị, hội thảo Chuyển đổi số của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch diễn ra ngày 26/10, Thứ trưởng Bộ VH-TTDL Hoàng Đạo Cương cho biết, thời gian tới Bộ này sẽ số hóa các di sản văn hóa và chuyển đổi số trong ngành du lịch. Tất cả các di sản văn hóa sẽ được xây dựng trên bình diện tổng quát đối với việc xây dựng bản đồ số về các hệ thống các di tích, danh lam thắng cảnh, điểm đến hấp dẫn của Việt Nam.
"Trong chương trình du lịch của các nước trên thế giới bao giờ cũng có các điểm đến là các di sản. Nước ta có một kho tàng di sản rất đồ sộ với 3.500 di tích quốc gia, hơn 4.000 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và với 8.000 lễ hội truyền thống... Tất cả các dữ liệu này sẽ dần dần được số hóa và trở thành tài sản để chúng ta dựa vào đó phát huy, đồng thời dựa vào đó để bảo tồn, duy trì" - Thứ trưởng Bộ VH-TTDL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, vấn đề chuyển đổi số thuộc tất cả các lĩnh vực của Bộ VH-TTDL, từ văn hóa di sản, bảo tàng, điện ảnh, bản quyền đến thể thao, du lịch và vấn đề an toàn, an ninh thông tin đang rất được quan tâm. Chỉ trong một thời gian ngắn, các hoạt động chuyển đổi số đã được triển khai thiết thực, hiệu quả, đặc biệt là trong các lĩnh vực du lịch, di sản, bảo tồn, bảo tàng… nhất là trong thời gian thử thách của đại dịch COVID-19.
Cụ thể, hàng nghìn lượt khách tham quan ngồi tại nhà trong mùa giãn cách nhưng vẫn có thể xem được nhiều triển lãm chuyên đề của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, thậm chí là "đi" du lịch tham quan Kinh thành Huế chỉ bằng các cú nhấp chuột.
Hay khi thực hiện "ai ở đâu ở yên đó" người dân vẫn có thể thưởng thức các chương trình nghệ thuật đặc sắc do các nghệ sĩ nổi tiếng của ngành Văn hóa biểu diễn trực tuyến, hoặc được hướng dẫn các bài tập thể dục trực tuyến tại gia đình đơn giản, hiệu quả, dễ hiểu của ngành thể thao...
Nhằm phục vụ phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Bộ trưởng Bộ VH-TTDL Nguyễn Văn Hùng đã ký ban hành Chương trình Chuyển đổi số của Bộ VH-TTDL đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Bộ VH-TTDL và hướng tới nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; đổi mới hoạt động, sản xuất, dịch vụ của các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức trong lĩnh vực văn hóa, thể thao du lịch và gia đình; xây dựng phát triển văn hóa số, góp phần hình thành thế hệ công dân số cho tương lai hướng tới kinh tế số và xã hội số...