Cụ thể, sau khi kiểm tra thực tế, đối chiếu các hồ sơ, tài liệu liên quan về vấn đề nêu trên, Sở Giao thông vận tải (GTVT) có ý kiến: Hiện nay, Sở GTVT và UBND các quận, huyện đang cấp phép tạm thời sử dụng lòng đường, hè phố để trông giữ phương tiện giao thông tại các vị trí đủ điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, không ảnh hưởng đến an toàn giao thông theo thẩm quyền phân cấp để đáp ứng nhu cầu đỗ xe của các cơ quan, tổ chức và nhân dân trên địa bàn Thành phố.
Về việc có biển cấm đỗ xe và biển trông xe (biển "P") trên cùng tuyến phố, trong công văn, Sở GTVT cũng nêu rõ: Theo Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13/11/2008 quy định, tại Điều 18, Khoản 3, điểm c: "Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó".
Tại Điều 11, Khoản 3: Tại nơi có biển báo hiệu cố định lại có biển báo tạm thời thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của biển báo tạm thời.
Việc cấp phép sử dụng tạm thời đường (phố) để trông giữ phương tiện giao thông được quy định để nhận biết bằng biển "P" biển báo giao thông (408a) – Nơi đỗ xe.
Trên đây là ý kiến của Sở GTVT về vấn đề biển báo giao thông trên tuyến phố có các điểm trông giữ xe. Đồng thời trong công văn phản hồi đến báo Sức khoẻ & Đời sống, Sở GTVT cũng mong muốn tiếp tục được phối hợp với các cơ quan báo đài trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để cơ quan, tổ chức và nhân dân nắm rõ và thực hiện tốt trong công tác đảm bảo TTATGT – Đô thị.
Trước đó, Báo Sức khỏe và Đời sống đã thông tin, hiện nay, trên một số tuyến phố ở Hà Nội có cắm biển báo "cấm đỗ xe" nhưng ngay sát vị trí này lại xuất hiện biển báo "nơi đỗ xe". Điều này khiến người dân không khỏi thắc mắc và hoang mang về cách bố trí biển báo chồng chéo.
Video có thể bạ quan tâm:
Những loại rau củ trợ giúp người bị táo bón | SKĐS