Theo đó, chiều 22/3, Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc nhận được thông tin từ Hiệu trưởng trường THPT Đội Cấn báo cáo sơ bộ về sự việc cô giáo Lê Thị Hương L. - chủ nhiệm lớp 10A10 đã có hành động cắt tóc một nữ sinh ngay trên lớp. Clip ghi lại sự việc đã lan toả với tốc độ nhanh chóng trên các trang mạng, thu được những bình luận, soi xét trái chiều.
Tối cũng ngày, Sở GD&ĐT đã nhận được bản tường trình của cô giáo L. và báo cáo của nhà trường. Cụ thể, sau Tết Nguyên đán, một số học sinh lớp 10A10 quay trở lại trường lớp với màu tóc được nhuộm light sáng như màu khói, màu vàng, không đúng với nội quy của trường.
Cô giáo chủ nhiệm đã nhiều lần nhắc nhở, quán triệt trực tiếp tại lớp, trên nhóm lớp và nhóm phụ huynh học sinh. Đa số các em đã chấp hành nhuộm lại màu tóc tự nhiên, duy chỉ còn nữ sinh L.N.L.P.
Trước thông tin Đoàn trường có đợt kiểm tra nền nếp vào ngày 23/3, ngày 17/3, cô giáo đã gọi riêng em P ra hành lang để nhắc nhở và ra thời hạn, em P cũng đã hứa với cô giáo buổi chiều về sẽ nhuộm lại.
Ngày 20/3, cô tiếp tục nhắn trên nhóm lớp yêu cầu các học sinh chấp hành, để hôm sau cô sẽ tiếp tục kiểm tra.
Về phần mình, P cho biết, chiều 21/3, em có ra hàng để yêu cầu nhuộm lại nhưng thợ tóc báo do tóc yếu nên chờ dài hơn sẽ cắt bỏ. Sáng 22/3, trước khi cô chủ nhiệm kiểm tra, em P đã nhờ một số bạn cắt bỏ phần light sáng màu ở dưới gáy nhưng không hết. Khi kiểm tra, cô L. đã rất bực, muốn xử lý làm gương nên nhờ một học sinh trong lớp đi mượn kéo cắt một lọn tóc phía trên của học trò. Cô cũng yêu cầu học sinh quay lại video gửi cho phụ huynh trong nhóm lớp biết việc cô phạt học sinh trên lớp.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, nhận thấy hành động của mình là nóng nảy và sai trái, 15h chiều 22/3, cô L. đã đến gia đình em P, gặp ông bà nội và bố em để nói chuyện và xin lỗi gia đình. Về phía em P. sau khi video cô giáo cắt tóc lan toả chóng mặt trên mạng xã hội tối qua, nhận được nhiều ý kiến đa chiều, em P đã khóc, buồn và chia sẻ với bố mẹ, không muốn đến lớp nữa.
Sáng 23/3, trường THPT Đội Cấn đã triệu tập cuộc gặp, lắng nghe, trao đổi trực tiếp giữa cô giáo chủ nhiệm, học sinh L.N.L.P và cha mẹ của em, cùng các thầy cô trong Ban Giám hiệu nhà trường.
Tại đây, cô giáo và cha mẹ em L.N.L.P đã chia sẻ, trao đổi trên tinh thần cởi mở, lắng nghe và cầu thị. Hai bên đều nhìn nhận ra những phần sai của mình, dẫn đến sự việc không mong muốn bị đẩy đi quá xa, gây nhiều ảnh hưởng, hệ luỵ về mặt tâm lý, tinh thần cho không chỉ cô và trò. Các bên đều bày tỏ nguyện vọng, mong muốn sự việc được cảm thông; tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục, quản lý học sinh, làm tốt hơn công tác liên lạc giữa cô giáo và phụ huynh học sinh; áp dụng các biện pháp giáo dục tích cực, không để xảy ra những sự việc tương tự.
Sau buổi làm việc, cô L. và em L.N.L.P đã lên lớp học, trước sự chứng kiến của các bạn, của phụ huynh học sinh và một số thầy cô, hai cô trò đã nhận lỗi, rút kinh nghiệm và trao nhau cái ôm khép lại sự việc.
"Sự việc xảy ra đáng tiếc, không mong muốn đối với cả giáo viên, học sinh, gia đình và xã hội, làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục nói chung. Đây là bài học mà giáo viên toàn ngành cần soi chiếu, không để xảy ra sự việc đáng tiếc tương tự; thực hiện nghiêm các quy định của ngành, tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ, luôn chủ động sử dụng các biện pháp giáo dục tích cực, kiểm soát tốt cảm xúc cá nhân, phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh và các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường", ông Phạm Khương Duy, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc chia sẻ.