Số F0 ở Hà Nội giảm rất mạnh, dần bình thường hoá hoạt động khám chữa bệnh, tập trung bảo vệ người nguy cơ cao

24-03-2022 17:40 | Y tế
google news

SKĐS - Hiện chỉ còn 400 ca COVID-19 ở Hà Nội trong tình trạng nặng, nguy kịch, giảm rất mạnh so với nửa tháng trước.

Số ca nhiễm COVID-19 mỗi ngày, ca nặng, tử vong ở Hà Nội giảm rất mạnh 

Sở Y tế Hà Nội tối 24/3 thông báo TP vừa ghi nhận 12.485 ca COVID-19, giảm 20.000 ca so với mốc kỷ lục hôm 8/3. 

Bệnh nhân phân bố tại 518 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (1.709); Đông Anh (1.153); Long Biên (712); Hoàng Mai (658); Sóc Sơn (641)

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 1.230.764 ca.

Hiện toàn TP có hơn 278.000 người nhiễm COVID-19 đang điều trị, theo dõi, giảm gần 20.000 ca so với hôm 22/3. Theo thống kê của Bộ Y tế, đến hết ngày 23/3, toàn TP Hà Nội chỉ còn hơn 2.100 ca COVID-19 điều trị tại các bệnh viện, trong đó có hơn 1.500 ca mức độ trung bình (giảm 26% so với trung bình 7 ngày trước), 400 ca nặng/nguy kịch (giảm hơn 28%). 

Dần bình thường hoá khám chữa bệnh, bảo vệ nhóm bệnh nhân nguy cơ cao 

Nhiều cơ sở y tế ở Hà Nội đã có những bước đi đầu tiên trong "bình thường hoá" hoạt động khám chữa bệnh nói chung và COVID-19 nói riêng.

Số F0 mỗi ngày ở Hà Nội giảm rất mạnh, dần bình thường hoá hoạt động khám chữa bệnh, tập trung bảo vệ người nguy cơ cao  - Ảnh 1.

Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức chuẩn bị gây mê cho bệnh nhân N.V.Q mắc COVID-19. Cơ sở này dần bình thường hóa hoạt động chuyên môn chăm sóc điều trị phẫu thuật người bệnh nhiễm COVID-19.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thông tin số lượng bệnh nhân tăng nặng điều trị tại Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 Hoàng Mai đã giảm tới 50% so với vài tuần trước, về còn dưới 100 ca/ngày. 

Không chỉ điều trị COVID-19, nhiều bệnh viện cả công lập lẫn tư nhân dần coi COVID-19 là bệnh thông thường nên hàng loạt "phòng khám F0" đã được mở ra, song song với khám chữa các loại bệnh khác.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức (Hà Nội) đã chủ động tiếp nhận, cấp cứu, mổ cấp cứu, hồi sức sau mổ và chăm sóc điều trị người bệnh COVID-19.

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), vốn là cơ sở tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 tầng 2 và 3 (trong tháp 3 tầng), chỉ trong gần 3 tuần mở phòng khám F0 đã tiếp nhận tới gần 2.000 bệnh nhân tới khám, cao điểm có ngày lên tới hơn 100 ca, chủ yếu là trẻ nhỏ, người cao tuổi, người có bệnh lý nền. Đáng nói, 40% số F0 đến khám này có chỉ định nhập viện. Họ sẽ được điều trị tới khi kiểm soát được tình trạng bệnh và tiếp tục cho về nhà theo dõi.

Cũng trong tiến trình "bình thường hoá", Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Trần Minh Điển – cho biết số lượng bệnh nhi tới khám ở viện này hiện khoảng 2.000 ca/ngày, tăng hơn 30% so với thời gian cách đây một vài tháng (khoảng 1.200-1.500 ca). 

Tuy số bệnh nhi này chỉ mới đạt 50% so với thời điểm cao nhất (khoảng 4.000-5.000 ca/ngày), nhưng điều này cũng cho thấy hoạt động khám chữa bệnh đã dần trở lại bình thường. Việc gia tăng bệnh nhân tới khám chủ yếu là do số trẻ chuyển tới từ các tỉnh, đặc biệt là các bé mắc bệnh lý mãn tính, suốt cả giai đoạn dài các bé không được lên bệnh viện tuyến trên điều trị vì lo lắng dịch bệnh.

Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), việc khám chữa bệnh thông thường đã dần trở lại. Trước đây, lúc cao điểm trước Tết Nguyên đán, bệnh viện hạng 1 này tiếp nhận, điều trị tới gần 500 ca COVID-19 thì nay chỉ còn 190 ca. Số F0 nặng, nguy kịch lúc cao nhất khoảng 150 trường hợp nay chỉ về dưới 50 ca. 

Khu vực điều trị COVID-19 giảm sức nóng, Bệnh viện có chủ trương và đang rút dần nhân viên y tế về tập trung điều trị các bệnh thông thường khác bởi lượng bệnh nhân nội trú tại các khu vực này đang tăng lên, từ 200 ca lên 350 ca/ngày.

Tập trung bảo vệ nhóm nguy cơ cao, phát hiện sớm dấu hiệu trở nặng để can thiệp kịp thời, vừa không để quá tải hệ thống y tế, vừa hạn chế số người bệnh tăng nặng và tử vong là mục tiêu và chiến lược của ngành Y tế các địa phương.

Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, lượng bệnh nhân tới khám, điều trị đã được tiêm đủ mũi vaccine rất cao, tuy nhiên, Bệnh viện cũng có nhiều hình thức để bảo vệ nhóm bệnh nhân nguy cơ cao (khu vực cấp cứu, hồi sức, chạy thận nhân tạo, bệnh nền cấp tính….).

Thay vì bố trí nhóm nhân viên y tế trực cổng để hướng dẫn khai báo, sàng lọc, cơ sở này đã lắp các máy đo thân nhiệt tự động, nếu phát hiện bệnh nhân hay người nhà có nhiệt độ cao sẽ lập tức thông báo, sàng lọc, xét nghiệm.

Bệnh nhân cũng chủ động khai báo về lịch sử tiếp xúc, tình trạng sức khoẻ với các dấu hiệu, triệu chứng. Tại các khoa phòng, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang yêu cầu cán bộ, nhân viên, khi phát hiện bệnh nhân có các dấu hiệu nhiễm COVID-19 phải chỉ định xét nghiệm ngay…

Hà Nội thêm hơn 13.000 ca COVID-19 mới, chỉ còn 297.000 F0 điều trị, theo dõiHà Nội thêm hơn 13.000 ca COVID-19 mới, chỉ còn 297.000 F0 điều trị, theo dõi

SKĐS - Sở Y tế Hà Nội tối 23/3 thông tin trong 24 giờ qua TP ghi nhận 13.005 ca COVID-19 mới, giảm hơn 3.000 ca so với hôm qua. Đây là ngày thứ 12 liên tục số ca bệnh ở Thủ đô giảm.


Võ Thu (ghi)
Ý kiến của bạn