Sò điệp có tốt cho phụ nữ mang thai?

15-04-2023 08:21 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Nhận được các chất dinh dưỡng mà cơ thể cần là rất quan trọng trong thời kỳ mang thai, nhưng điều quan trọng là phải biết những loại thực phẩm nào cần tránh khi mang thai. Và sò điệp có phải là món ăn an toàn với phụ nữ mang thai?

Theo TS. Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng khoa sản thường, Bệnh viện Phụ sản Trung ương: Người phụ nữ khi mang thai cần có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý khi mang thai để có sức khỏe tốt và bảo vệ thai nhi khỏe mạnh.

Thực phẩm đưa vào cơ thể khi đang mang thai đều ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến thai nhi. Đó là lý do tại sao các bác sĩ khuyên phụ nữ nên thận trọng với thực phẩm khi mang thai, vừa để tránh ăn những thực phẩm có thể chứa các chất có khả năng gây hại cho thai nhi đang phát triển vừa để tối đa hóa lợi ích dinh dưỡng cho cả mẹ và con.

Nhiều loại cá rất giàu protein và các chất dinh dưỡng khác, bao gồm axit béo omega-3, là chất béo lành mạnh tốt cho cơ thể và não bộ của thai phụ và cả thai nhi nữa. Tuy nhiên, nên tránh một số loại cá như lớn chứa nhiều thủy ngân và ăn cá sống do chứa nhiều vi khuẩn. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, sò điệp có hàm lượng thủy ngân đặc biệt thấp nên tốt cho phụ nữ khi mang thai, nhưng phải đảm bảo sò tươi và an toàn khi chế biến.

1. Khi nào sò điệp an toàn với thai phụ?

Dinh dưỡng tốt trong sò điệp mẹ bầu cần biết - Ảnh 2.

Sò điệp được chế biến đúng cách và nấu chín kỹ có thể tạo nên một bữa ăn ngon, tốt cho sức khỏe thai phụ.

Các chuyên gia sản khoa khuyến khích mọi người bổ sung hải sản như một phần của chế độ ăn uống lành mạnh khi mang thai, nên ăn 200 đến 300gram hải sản mỗi tuần có thể là cá hay hải sản có vỏ chứa ít thủy ngân. Cùng với các loại hải sản như tôm, cá hồi, cá trích và nghêu, sò điệp nằm trong danh sách những thực phẩm tốt do chứa ít thủy ngân. Thủy ngân có thể gây hại cho bộ não đang phát triển của thai nhi. Các loại cá lớn hơn như cá ngói, cá kiếm, cá mập và cá thu thường có hàm lượng thủy ngân cao.

Vì vậy, sò điệp nên được mua tươi và ăn ngay trong ngày, khi sò điệp được chế biến đúng cách và nấu chín kỹ có thể tạo nên một bữa ăn ngon, tốt cho sức khỏe - một bữa ăn giàu chất dinh dưỡng và protein. Khi nấu sò điệp, cần đảm bảo rằng sò điệp đạt nhiệt độ bên trong ít nhất là 63°C.

2. Khi nào sò điệp không an toàn cho thai phụ?

Phụ nữ mang thai không nên ăn sò điệp sống, tái hay áp chảo. Sò điệp sống, giống như các loại hải sản sống khác, có thể chứa vi khuẩn hoặc các chất độc khác có thể khiến thai phụ bị bệnh nặng. Cũng nên tránh sò điệp từ vùng nước được biết là bị ô nhiễm.

Sò điệp là một loại động vật có vỏ có thể gây dị ứng cho người và khá nguy hiểm cho phụ nữ mang thai. Do đó, khi bắt đầu cảm thấy ngứa ran trong miệng hoặc môi sau khi ăn sò điệp, phải dừng ăn. Đó là một trong những dấu hiệu của phản ứng dị ứng hải sản. Các dấu hiệu phổ biến khác của phản ứng dị ứng như phát ban, ngứa da, buồn nôn, sổ mũi, ho. Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này sau khi ăn sò điệp cần đến bệnh viện để được khám ngay lập tức.

Theo PGS.TS Vũ Đức Định, chuyên gia hồi sức tích cực, hải sản là một trong những thực phẩm dễ gây dị ứng phổ biến nhất. Đây cũng là một trong những loại dị ứng nguy hiểm nhất, có khả năng làm tăng số lượng người nhập viện cấp cứu do dị ứng thức ăn cao hơn với các loại dị ứng khác.

Hoặc khi thấy các triệu chứng khác nếu ăn sò điệp nấu chưa chín hoặc không được chế biến an toàn. Tất cả những triệu chứng khó chịu ở đường tiêu hóa như buồn nôn, co thắt dạ dày, nôn mửa và tiêu chảy có thể là dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm hoặc nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng. Nếu điều này xảy ra, cũng nên đi khám và thông báo với bác sĩ.

3. Lợi ích của ăn sò điệp khi mang thai

Những chất dinh dưỡng mà thai phụ nhận được từ sò điệp sẽ giúp ích cho sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe của chính mẹ bầu.

Sò điệp chứa nhiều protein nạc chứa nhiều chất dinh dưỡng giúp mẹ và bé tăng cường cơ bắp cần thiết và có chỉ số đường huyết thấp khiến món ăn này trở thành một lựa chọn lành mạnh cho cả những bà mẹ đang mang thai. 

Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, sò điệp là nguồn cung cấp vitamin C và A, kali, natri, canxi, magiêphốt pho lý tưởng.

Sò điệp cũng chứa magiê, có đặc tính chống viêm và kali giúp điều chỉnh chất lỏng trong cơ thể thai phụ cũng như các chức năng quan trọng khác như co cơ và hệ thần kinh. Canxi trong sò điệp cũng giúp duy trì và phát triển xương, các vitamin giúp phát triển thị lực, da và tóc, đồng thời kẽm giúp giảm nguy cơ sinh nhẹ cân và giúp phát triển các tế bào khỏe mạnh. Sò điệp chứa một lượng đáng kể các khoáng chất vi lượng như kẽm, đồng và selen rất quan trọng đối với sức khỏe.

Sò điệp có thể là một bổ sung tốt cho chế độ ăn uống lành mạnh khi mang thai nhưng cần phải tuân theo các bước thích hợp, chẳng hạn như sơ chế và nấu nướng, để giảm thiểu bất kỳ mối lo ngại nào về sức khỏe. Để làm cho sò điệp an toàn khi mang thai, thai phụ cần mua sò điệp tươi, thịt sò điệp trông chắc và có màu trắng đặc. Rửa sạch dưới vòi nước, nên ăn sò điệp ngay trong ngày, nấu chin kỹ và không ăn sò điệp sống để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Để duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng, chỉ nên ăn sò điệp với lượng vừa phải 350gr/1 tuần và 100gr/ bữa. Chỉ nên ăn khi biết rằng thai phụ không bị dị ứng với bất kỳ loại hải sản nào.

7 lời khuyên về cách lựa chọn thực phẩm khi mang thai7 lời khuyên về cách lựa chọn thực phẩm khi mang thai

SKĐS - Chế độ dinh dưỡng khi mang thai là vấn đề được quan tâm bởi mẹ bầu nào cũng muốn đem đến cho bé yêu sự phát triển tốt nhất.

Xem thêm video đang được quan tâm:

5 loại thực phẩm bà bầu cần bổ sung để con khỏe mạnh, thông minh.



Bảo Hưng
Ý kiến của bạn