“Sơ cứu tâm lý: Hướng dẫn dành cho người cứu hộ tại hiện trường” là một ấn phẩm của Tổ chức Y tế Thế giới vừa được Tổ chức thiện nguyện Y Học Cộng đồng chuyển ngữ.
Theo Sphere (2011) và IASC (2007), sơ cứu tâm lý (Psychological First Aid) mô tả một đáp ứng nhân đạo, hỗ trợ cho những người đang đau khổ và cần sự giúp đỡ. Sơ cứu tâm lý liên quan đến các chủ đề sau: Cung cấp sự chăm sóc và hỗ trợ thiết thực, nhưng không quấy rầy xâm phạm; Đánh giá nhu cầu và mối quan tâm; Giúp mọi người giải quyết các nhu cầu cơ bản (ví dụ, thực phẩm và nước, thông tin); Lắng nghe mọi người, nhưng không gây áp lực để họ chia sẻ; An ủi mọi người và giúp họ cảm thấy bình tĩnh; Giúp mọi người kết nối với thông tin, dịch vụ và hỗ trợ xã hội; Bảo vệ mọi người khỏi bị tổn hại thêm.
Bìa cuốn sách
Sơ cứu tâm lý được áp dụng cho những người vừa đối mặt với biến cố khủng hoảng nghiêm trọng. Bạn có thể trợ giúp cho cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, không phải ai trải qua khủng hoảng cũng cần hoặc muốn sơ cứu tâm lý. Không nên ép buộc những người không muốn được giúp, nhưng hãy sẵn sàng có mặt hỗ trợ cho những ai có nhu cầu.
Cũng có những tình huống một người cần hỗ trợ chuyên sâu hơn là chỉ thực hiện sơ cứu tâm lý. Cần biết giới hạn của bản thân và kêu gọi sự trợ giúp từ người khác, chẳng hạn nhân viên y tế (nếu có), đồng nghiệp hoặc những người khác trong khu vực, chính quyền địa phương hoặc các nhà lãnh đạo cộng đồng và tôn giáo. Những người cần hỗ trợ chuyên sâu tức thời: Những người bị thương nặng, đe dọa tính mạng cần được chăm sóc y tế khẩn cấp; Những người sang chấn tâm lý đến mức họ không thể chăm sóc bản thân hoặc con cái; Những người có thể làm tổn thương chính mình; Những người có thể làm tổn thương người khác.
Cuốn sách cũng trả lời câu hỏi “Khi nào cần sơ cứu tâm lý?”. Mặc dù nhiều người có thể cần đến giúp đỡ và hỗ trợ trong một thời gian dài sau khủng hoảng, sơ cứu tâm lý chỉ nhằm mục đích giúp đỡ những người mới bị ảnh hưởng bởi biến cố gần đây. Bạn có thể thực hiện sơ cứu tâm lý dù chỉ mới tiếp xúc với nạn nhân lần đầu tiên. Điều này thường diễn ra trong hoặc ngay sau sự kiện. Tuy nhiên, đôi khi có thể là vài ngày hoặc vài tuần sau, tùy thuộc vào khủng hoảng kéo dài bao lâu và mức độ nghiêm trọng của nó như thế nào.
“Sơ cứu tâm lý được áp dụng ở đâu?”, câu trả lời là bạn có thể thực hiện sơ cứu tâm lý bất cứ nơi nào đủ an toàn. Điều này diễn ra trong các cộng đồng, chẳng hạn như tại hiện trường vụ tai nạn hoặc những nơi như trung tâm y tế, nơi trú ẩn hoặc lều trại, trường học và các địa điểm phân phối thực phẩm hoặc các nơi trợ giúp khác. Tốt nhất, nên hỗ trợ sơ cứu tâm lý ở nơi có chút riêng tư, khi đó bạn có thể tâm sự với họ. Đối với những người đã trải qua biến cố như bạo lực tình dục, sự riêng tư là điều rất cần thiết để bảo mật và tôn trọng nhân phẩm.
Đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng đến chúng ta theo nhiều cách khác nhau mà sốc tâm lý và các rối loạn tâm lý sau đó là những vấn đề nghiêm trọng cần được quan tâm. Cũng như những tai nạn và thảm họa khác, khi đột ngột bị cách ly khỏi người thân, hoặc phải ở trong bệnh viện dài ngày, nhiều người trở nên căng thẳng, lo lắng, buồn chán, dễ nổi nóng và sợ hãi. Câu hỏi được đặt ra: Chúng ta có thể làm gì để giúp họ.
Dù những hướng dẫn đơn giản trong 64 trang này có thể giúp ích cho tất cả những người muốn hỗ trợ nạn nhân của hỏa hoạn, thiên tai, chiến tranh, bạo lực và bệnh hiểm nghèo, nhóm biên soạn cuốn sách mong muốn trước mắt có thể giúp nhiều người sớm trở thành người hỗ trợ thích hợp, kịp thời cho những người bị ảnh hưởng bởi COVID-19 quanh mình.