Sơ cứu người bị tai nạn giao thông

10-09-2019 12:20 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Năm nào cũng vậy, vào các dịp lễ tết được nghỉ dài ngày, các vụ tai nạn giao thông thường gia tăng.

Điều đáng chú ý, một tỷ lệ không nhỏ nạn nhân bị tai nạn giao thông tử vong là do không được sơ cứu hoặc sơ cứu không đúng cách trước khi đưa tới các cơ sở y tế. Việc sơ cấp cứu ban đầu khi bị tai nạn, đặc biệt là tai nạn giao thông có ý nghĩa sống còn đối với rất nhiều người. Do đó, chúng ta cần trang bị những kiến thức cơ bản về sơ cứu khi gặp tai nạn giao thông.

Sơ cứu tai nạn giao thông như thế nào?

Thực hiện đặt người bị thương nằm ở tư thế có thể thở một cách thuận lợi nhất:

Với người bị nhẹ (hoàn toàn tỉnh táo, không chảy máu, thậm chí đứng dậy được), cần cho nằm nghỉ ngơi, sau đó đến cơ sở y tế kiểm tra.

Khi người bị thương còn nhận thức được, hãy bảo họ nằm ở tư thế thẳng và để đầu sao cho dễ thở (thông thường nằm ngửa, đầu thấp không kê gối tạo điều kiện cho máu chảy lên não) để người bị thương có thể thở một cách thuận lợi nhất và không làm trầm trọng thêm các vết thương.

Nếu người bị thương không còn nhận thức được, hãy đặt người đó nằm mặt úp xuống sao cho không làm tắc nghẽn sự hô hấp trong trường hợp người đó nôn.

Kiểm tra hô hấp của người bị nạn: Khi sơ cứu trong hầu hết trường hợp, việc đầu tiên là cần phải kiểm soát được đường hô hấp cho bệnh nhân, làm đường thở thông thoáng. Nếu đường thở bị tắc nghẽn do đất, cát, răng giả, đờm dãi..., phải dùng tay móc ngay ra.

Trường hợp người bị thương khó thở, sau khi tạo ra được đường thoáng khí, thực hiện hô hấp nhân tạo. Đây là cách cấp cứu an toàn nhất và hiệu quả nhất.

Thông thường thì hô hấp nhân tạo bằng cách miệng đối miệng, người cấp cứu ngậm miệng hít sâu rồi áp miệng vào miệng nạn nhân thổi mạnh, đồng thời ngón cái và ngón trỏ bóp cho cánh mũi nạn nhân kín lại. Quan sát lồng ngực nạn nhân khi thổi, nếu lồng ngực phồng lên là không khí đã vào phổi, ngẩng lên lấy hơi để thổi lần sau và bỏ ngón tay bịt cánh mũi nạn nhân ra. Tần số đối với nạn nhân người lớn là 3 - 4 giây thổi 1 lần, nạn nhân là trẻ em thì nhanh hơn, cứ 2 - 3 giây thổi 1 lần.

Nếu nạn nhân bị chảy máu thì phải cầm máu tại chỗ bằng cách lấy ngón tay, nắm tay, khăn hay một cục bông đè mạnh vào vết thương. Đây là động tác rất đơn giản nhưng cầm máu hiệu quả.

Với người có tổn thương chi như gãy xương, tay, chân, phải cố định chi gãy. Gãy chi trên thì lấy khăn làm máng treo tay, nếu là chi dưới thì phải nẹp rồi mới đưa đi bệnh viện.

Với người bị nặng (trong tình trạng hôn mê), nên tiến hành sơ cứu theo 3 bước: Thông đường thở: làm bệnh nhân thở được (hà hơi, hồi sức); Kiểm tra tim, xoa bóp tim và lồng ngực nếu cần thiết và chuyển ngay đến cơ sở y tế. Lưu ý, cần từ 2 - 3 người nhấc người bệnh lên chứ không bế xốc bổng hay bế gập người lại, đưa đến chỗ an toàn và gọi xe cứu thương đến hoặc chuyển ngay đến bệnh viện.

Riêng với trường hợp nghi ngờ chấn thương sọ não, khi quan sát thấy nạn nhân bị va đập ở vùng đầu, đừng tự ý di chuyển mà hãy nhờ sự giúp đỡ của những người khác. Nếu nạn nhân hôn mê, không nên cho uống bất kỳ loại nước nào vì dễ bị sặc.

Nạn nhân chấn thương sọ não có thể bị vỡ sọ, vết thương xuyên thấu, dập não, xuất huyết trong hoặc phù não, co giật. Khi đó, nên đặt nạn nhân nằm ở nơi thoáng khí với tư thế chân kê cao hơn đầu khoảng 20cm nếu không thấy chảy máu đầu cổ, không bị nhồi máu cơ tim. Cần ủ ấm cho bệnh nhân. Nếu nạn nhân ngưng tim, ngưng thở, nên ưu tiên hô hấp nhân tạo, xoa bóp lồng ngực ở vùng tim.

Sau khi xử trí tổn thương ban đầu, gọi xe cấp cứu ngay. Nếu nghi ngờ nạn nhân bị tổn thương cột sống, phải thật cẩn trọng khi khiêng cáng ra khỏi hiện trường. Trong quá trình di chuyển, cần cố định nạn nhân bằng cách chèn vải, chăn gối ở phần đầu, cổ và thân.

Sơ cứu người bị tai nạn giao thông.

Sơ cứu người bị tai nạn giao thông.

Cần tránh những việc sau

Lấy bỏ bất cứ một dị vật nào ở da đầu và xương sọ. Nếu bị vật gì nhọn đâm vào cơ thể, nhất là ngực, bụng, tuyệt đối không được rút vật nhọn đó ra vì lúc này nó có tác dụng bịt mạch máu. Nếu rút ra, máu sẽ phun mạnh, nạn nhân mất máu nhiều có thể tử vong.

Dùng tay nâng đầu lên cao làm gập cổ người bị nạn có thể gây tổn thương cột sống cổ.

Di chuyển người bị nạn khỏi hiện trường khi chưa cố định.

Di chuyển người bị nạn bằng xe đạp, xe gắn máy vì có nhiều trường hợp gãy cột sống cổ do chở đi bị xóc đã tử vong trước khi vào viện do liệt hô hấp.

Đưa bất cứ một vật lạ hoặc nước vào miệng người bị nạn có thể gây tử vong do sặc, ngạt thở.

Để phòng tránh tai nạn giao thông, người tham gia cần chú ý thực hiện đúng Luật Giao thông như: Giảm tốc độ khi đến ngã tư, ngã ba, khúc cua, ngã rẽ; Không lách vào những khe hở quá hẹp giữa hai xe; Sử dụng gương chiếu hậu, đèn tín hiệu và đèn pha đúng cách; Giữ khoảng cách an toàn với xe đi trước; Không uống rượu bia khi tham gia giao thông.


BS. Nguyễn Văn Thường
Ý kiến của bạn