TS Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, nhiều người thường nghĩ nếu đuối nước sẽ có người vùng vẫy, kêu cứu. Nhưng thực tế, đuối nước thường diễn ra êm đềm, nhẹ nhàng, để nhận biết một người đuối nước không phải là dễ, ngay cả trong trường hợp có người lớn, người thân xung quanh, chỉ sơ sểnh một chút không quan sát cũng có thể gây những sự cố nguy hiểm vì đuối nước.
TS Lương Quốc Chính hướng dẫn cách sơ cứu nạn nhân đuối nước
“Khi nạn nhân đang bị đuối nước, có thể họ không kêu cứu một cách kích động hoặc té nước… mà hầu hết mọi người vẫn kỳ vọng như khi xem thấy trên vô tuyến. Nếu nạn nhân đang thực sự bị đuối nước, họ sẽ không thể tạo ra bất cứ tiếng động nào, do vậy mọi người xung quanh rất dễ bỏ qua, thậm chí ngay cả khi có bạn bè và gia đình đang ở gần”- TS Chính cho hay
Do đó, theo khuyến cáo của TS Chính, khi có nhóm bạn tắm thì nên luôn canh chừng nhau để phát hiện các dấu hiệu đuối nước như nổi lập lờ, chìm không thấy chứ không kỳ vọng nạn nhân kêu cứu. Còn khi nạn nhân đuối nước thì ngay lập tức phải kêu cứu để có người đến trợ giúp.
TS Lương Quốc Chính cũng nhấn mạnh, để cứu nạn nhân đuối nước thì người cứu bắt buộc phải biết bơi, nhưng khi xảy ra đuối nước ở khu vực nước sâu, xoáy, chảy siết, ngay cả khi biết bơi cũng không nên nhảy xuống bởi cũng có nguy cơ đuối nước.
Do đó, nếu vùng nước sâu, xoáy, chảy mạnh thì nên tìm cách quẳng dây, gậy để người đuối nước bám vào, nếu người biết bơi nhảy xuống cứu nên tiếp cận người đuối nước từ đằng sau, túm áo, tóc người bị đuối nước để đưa họ vào bờ.
“Trong tình huống này, lưu ý không tiếp cận cứu người đuối nước từ đằng trước bởi khi đó người đuối nước còn tỉnh có thể hoảng loạn bám vào người cứu, khiến cả hai chìm xuống”-TS Lương Quốc Chính lưu ý.
Khi đưa được nạn nhân đuối nước lên bờ, điều đầu tiên phải quan sát xem nạn nhân còn thở hay không. Nếu còn thở phải đặt nạn nhân ở tư thế an toàn, theo dõi sát nhịp thở, gọi hỗ trợ, gọi cấp cứu tới
Trong trường hợp nạn nhân đã ngưng thở thì nên thổi hơi liên tục cho nạn nhân. Quy trình thổi ngạt, ép ngực theo nguyên tắc: 30 lần ép ngực thì 5 lần thổi ngạt, làm liên tục cho đến khi nạn nhân tỉnh hoặc đội cứu hộ đến. Hãy đặt hai tay chèn lên nhau, mu phần cổ tay ép giữa hai ngực, thẳng tay, dùng sức toàn bộ cơ thể để ép tim liên tục 30 cái. Nếu chỉ dùng lực của tay để ép tim thì không có nhiều giá trị. Việc thổi ngạt, ép ngực đối với nạn nhân đuối nước cần làm lặp lại liên tục cho tới khi có dịch vụ y tế cấp cứu tới, nạn nhân hồi tỉnh, đến khi người cứu hộ không còn sức cứu hộ hộ.
“Người dân tuyệt đối không vác nạn nhân lên vai để chạy với hy vọng tống nước ra ngoài. Vì nạn nhân đuối nước đang bị ngạt, điều quan trọng phải hồi sinh hô hấp, hà hơi thổi ngạt, ép tim phổi cho bệnh nhân. Việc mang vác nạn nhân như vậy sẽ khiến nạn nhân không được hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn trong thời gian dài, lúc này quay lại ép tim, thổi ngạt cũng đã là quá muộn” – TS Chính nói
Các chuyên gia khuyến cáo khi nhảy xuống nước cứu nạn nhân đuối nước nên tiếp cận từ phía sau, tránh tiếp cận phía trước gây nguy hiểm tính mạng cả người cứu nạn và người đang bị đuối nước
Sau hồi sức, khi nạn nhân hồi tỉnh được, động chân tay, tái lập tuần hoàn phải tìm cách sưởi ấm, ủ ấm cho nạn nhân. Bởi nạn nhân đuối nước có nguy cơ hạ thân nhiệt, nếu không kiểm soát được, lúc này nạn nhân dễ vào tình huống nguy hiểm như tim ngừng đập…
Theo TS Lương Quốc Chính, nạn nhân đuối nước khi được đưa lên bờ phần lớn đã ngừng tim ngừng thở, vì thế sơ cứu tại hiện trường rất quan trọng, quyết định đến việc cứu sống bệnh nhân hay không. Còn trong trường hợp bệnh nhân vẫn thở, hoặc các tình huống đuối nước hụt, hít phải nước trong quá trình tắm, đùa nghịch dưới nước cần đến bác sĩ khám, phòng nguy cơ đuối nước thứ phát, trong phổi tồn đọng nước gây tổn thương phổi nguy hiểm.