Giác mạc có thể bị xước ngay trong các hoạt động thường nhật hàng ngày. Ví dụ như chơi thể thao, sửa chữa trong nhà, đi đường hay vô tình quờ tay vào giác mạc. Đôi khi giác mạc cũng bị tổn thương do hóa chất, chất tẩy rửa dùng trong gia đình bắn vào mắt...
Tránh dụi mắt sau khi bị chấn thương vì có thể làm nặng thêm tình trạng xước giác mạc.
Khi giác mạc bị trầy xước, nạn nhân cảm thấy như có cát trong mắt, nước mắt chảy, nhìn mờ, tăng sự nhạy cảm hoặc đỏ quanh mắt, đau nhức nhiều ở mắt, sợ ánh sáng. Khám giác mạc có thể phát hiện dị vật.
Xử trí đúng cách sau khi bị xước giác mạc
Sau khi bị xước giác mạc, cần nhanh chóng lấy nước sạch hoặc nước muối sinh lý đổ đầy cốc hoặc một chiếc ly sạch, nhỏ. Đặt rìa mép cốc tì vào xương nền hốc mắt. Sau đó chớp chớp mắt nhiều lần vào nước để dị vật trôi ra theo làn nước.
Nếu bị nạn ở nơi làm việc không có đầy đủ nước muối thì để cho vòi nước ấm chảy qua mắt hoặc bắn nước vào mắt. Rửa mắt có thể làm trôi đi dị vật gây khó chịu.
Thực hiện chớp mắt nhiều lần trong làn nước và cả bên ngoài. Động tác này có thể loại bỏ những hạt bụi hoặc cát nhỏ.
Kéo mi mắt trên qua mi mắt dưới. Lông mi của mi mắt dưới có thể chải đi dị vật nằm ở bề mặt trong của mi mắt trên
Tuyệt đối tránh dụi mắt sau khi bị thương. Tránh đụng chạm hoặc ấn vào mắt có thể làm xước giác mạc nặng thêm.
Nếu sau khi sơ cứu mắt đã đỡ cộm, đau thì tra ngay thuốc mỡ dành cho mắt sau đó băng kín mắt lại. Mục đích của việc dùng kháng sinh mỡ để làm liền vết xước giác mạc, thuốc không bị trôi đi. Nếu bị xước nhẹ, chỉ băng một đêm, sáng hôm sau mắt đã dễ chịu hơn.
Tuy nhiên nếu tra thuốc mỡ, băng mắt lại mà không thấy dịu hơn, mắt vẫn khó mở, đau xót, chảy nước mắt giàn giụa, sợ sáng, đau chói thì phải đến viện khám. Vì khi đó, thương tổn có thể không chỉ đơn giản là xước giác mạc mà còn có chấn thương sâu, nặng hơn.