Sơ cứu gãy xương đòn

06-08-2012 10:27 | Bệnh thường gặp
google news

Trong giải phẫu cơ thể người, xương đòn là một xương dài tạo nên một phần của bả vai. Nó là một xương dẹt cong hình chữ S.

(SKDS) - Trong giải phẫu cơ thể người, xương đòn là một xương dài tạo nên một phần của bả vai. Nó là một xương dẹt cong hình chữ S. Một đầu xương tiếp khớp với xương ức, đầu còn lại tiếp khớp với xương bả vai, có vai trò quan trọng trong việc vận động của cánh tay, đặc biệt là hoạt động mang vác...

Xương đòn có thể gãy do tác động trực tiếp và do lực gián tiếp truyền lên theo cánh tay sau khi ngã mà vươn bàn tay ra chống đỡ. Trường hợp này gặp nhiều trong tai nạn lao động, tai nạn giao thông. Nạn nhân bị ngã đập vai xuống đất, hoặc ngã xuống từ xe đạp hay ngã ngược,…

Dấu hiệu gãy xương đòn có biểu hiện sưng, bầm và ấn đau trên vùng bị chấn thương, có sự biến dạng xương và mất vận động nâng, cơ vai, sờ thấy xương gãy gồ lên dưới da, ấn đau chói và có tiếng lạo xạo. Vì xương đòn nằm sát dưới da, nên điều đặc biệt quan trọng là tìm xem có bị gãy xương hở hay không.

Khi nghi ngờ nạn nhân gãy xương đòn, trước hết cần giữ nạn nhân ở tư thế cố định và sơ cứu như sau:

Dùng nẹp chữ T

- Cho nạn nhân ưỡn ngực hai vai kéo về phía sau.

- Chèn bông hoặc băng dưới hai hố nách và hai bả vai.

- Đặt nẹp chữ T sau vai, nhánh dài dọc theo cột sống, nhánh ngang áp vào vai.

- Quấn băng vòng tròn từ nách qua  vai  buộc  nút  ở  bả  vai. Quấn băng vòng thắt lưng, buộc nút  ở  vị  trí  thích hợp không vướng.
Chú ý nẹp chữ T phải đảm bảo. nhánh dài phải đủ dài qua thắt lưng, nhánh ngang phải to bản và dải qua khỏi vai.

Dùng băng số 8

Trường hợp không có nẹp thì dùng băng số 8. Việc này cần hai người thực hiện.

- Người thứ nhất: Nắm 2 cánh tay nạn nhân nhẹ nhàng kéo ra phía sau bằng một lực vừa phải, không đổi trong suốt thời gian cố định.

 Hình ảnh xương đòn bị gãy.
- Người thứ hai: Dùng băng băng kiểu số 8 để cố định xương đòn.
Chú ý: Phải đệm lót tốt ở hai hố nách để tránh gây cọ sát làm nạn nhân đau khi băng.

- Nếu xương xuyên thủng qua da, có chảy máu cần băng một miếng băng nhẹ lên trên vết thương để tránh nhiễm trùng. Sau đó nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế.       

Cần đặc biệt lưu ý: Khi chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế, để tránh tai biến xương chọc vào đầu phổi có thể gây tử vong cần giữ nạn nhân ở tư thế cố định. Nếu vận chuyển bằng xe máy, cần tránh bị xóc, co kéo. Tốt nhất là nên để nạn nhân nằm cáng để vận chuyển đến cơ sở y tế an toàn.         

  Bác sĩ Trọng Nghĩa


Ý kiến của bạn